Đặc điểm của sân bay tư nhân đầu tiên
Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từ tháng 3-2012, với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khu bay là 2,124 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) là nhà đầu tư cho dự án.
Cảng hàng không Quảng Ninh được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, có quy mô 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Cảng hàng không rộng 290ha phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.
Dự kiến, Cảng hàng không Quảng Ninh có đường băng dài 3,6km, rộng 45m, lề vật liệu rộng 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu kích thước 100mx60m, đảm bảo khai thác loại máy bay B777 và tương đương. Cảng có công suất tiếp nhận 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm… đảm bảo theo tiêu chuẩn hàng không quốc tế.
Dự kiến các đường bay được khai thác đầu tiên sẽ là các đường bay kết nối Quảng Ninh với khu vực phía Nam. Cụ thể, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air sẽ đồng thời khai trương các đường bay TP HCM - Vân Đồn và Nha Trang, Đà Nẵng - Vân Đồn.
Sau đó, các đường bay nối Seoul, Macao và Trung Quốc đến Vân Đồn sẽ tiếp tục được khai trương. Các đường bay quốc tế đến Singapore, Thái Lan… sẽ được nghiên cứu sau đó.
Sun Group chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ công trình xây dựng bảo đảm hoạt động bay theo tiêu chuẩn của Việt Nam và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Sau đó, công ty này sẽ chuyển giao toàn bộ tài sản cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì và đầu tư phát triển theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo thông tin mới nhất, lịch khai thác, vận hành sân bay này sẽ dời sang cuối quý II/2018, thay vì quý I/2018 như dự kiến.
Nhà đầu tư thu hồi vốn như thế nào?
Thời gian hoàn vốn dự kiến của dự án là 45 năm theo phương án tài chính đã phê duyệt. Hai nguồn thu chính để bù đắp vốn đầu tư là thu từ cung cấp dịch vụ hàng không và phi hàng không.
Cụ thể, đối với dịch vụ hàng không, nguồn thu đến từ các dịch vụ hạ - cất cánh, sân đậu tàu bày, soi chiến an ninh hàng hóa. Ngoài ra các dịch vụ khác có thể mang lại nguồn thu như phí thuê quầy làm thủ tục; cho thuê băng chuyền hàng lý; dịch vụ khai thác thương mại mặt đất…
Giá dịch vụ hàng không tại sân bay Vân Đồn được xác định trên cơ sở phương án tài chính của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT, bảo đảm thu hồi vốn đầu tư, phù hợp với chất lượng dịch vụ, tình hình thị trường.
Đối với dịch vụ phi hàng không, Sun Group có thể cho thuê mặt bằng kinh doanh – quảng cáo; dịch vụ trông giữ xe; dịch vụ bán hàng miễn thuế, ăn uống, phòng khách VIP… Nguồn thu từ những dịch vụ này có thể chiếm đến 25-40% doanh thu của sân bay.
Bài học từ các sân bay tư nhân trên thế giới
Trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước hạn chế thì tư nhân hóa sân bay là một giải pháp. Bên cạnh đó, chất lượng các cảng hàng không ở Việt Nam chưa tốt do cơ chế quản lý của Nhà nước chưa được cải thiện. Vì vậy, sân bay tư nhân được kì vọng sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ.
Trên thế giới, việc tư nhân hóa sân bay đã xuất hiện tại Anh từ thập niên 80, khi Thủ tướng Margaret Thatcher nhượng quyền khai thác sân bay cho tư nhân. Kết quả là các sân bay này đều hoạt động tốt, cải thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, đặc biệt là ngân sách Nhà nước không phải chi trả các khoản trợ cấp hằng năm như trước.
Úc là một ví dụ khác, Cảng hàng không Brisbane Airport (BNE) được tập đoàn BAC mua lại từ chính quyền vào năm 1997. Sân bay này đã trở thành một biểu tượng đáng tự hào của bang Queensland.
Tuy nhiên, cũng có những sân bay được tư nhân hóa và hoạt động không hiệu quả như sân bay Cardiff ở xứ Wales. Sân bay này thua lỗ và sau đó phải bán lại cho chính quyền vào năm 2013.
Sân bay quốc tế Doha (Quatar) và một số sân bay khu vực Châu Mỹ Latin không có giải pháp quản lý thu phí của nhà đầu tư, dẫn dến mức phí vô cùng đắt đỏ.
Theo Chu Lan Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)