Không chỉ vốn giải ngân mà cả nguồn vốn đầu tư mới từ các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam cũng đang gia tăng mạnh từ đầu năm 2017.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 23,36 tỷ USD, tăng đột biến hơn 45% so với cùng kỳ năm 2016.
|
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tăng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ảnh: Đình Dân. |
Cụ thể, cả nước có 1.624 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,45 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với đó là 773 lượt dự án đang hoạt động đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 6,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã và đang gia tăng rót vốn mạnh vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa.
Đến đầu tháng 9, đã có 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,5 tỷ USD, tăng 101,3% so với cùng kỳ 2016.
Trao đổi với PV, đại diện Cục đầu tư nước ngoài cho biết Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đang là các quốc gia đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư phía Hàn Quốc đã đăng ký trong 9 tháng qua là là 6,02 tỷ USD. Nhật Bản có tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,74 tỷ USD...
Đại diện tập đoàn SanYang SYM (Đài Loan), ông Harrison Liu, cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn, đặc biệt là khi kinh tế vĩ mô đang ổn định và tăng trưởng.
Hàn Quốc đang đứng đầu về số vốn FDI đổ vào Việt Nam. |
Vốn FDI nổi lên mạnh nhất từ đầu năm nay đổ vào các dự án nhiệt điện. Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore đã rót vốn mạnh vào thị trường này. Tiêu biểu như dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Thanh Hoá với công suất khoảng 1.200 MW, tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD. Hay dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD công suất thuần khoảng 1.109,4 MW...
Ngoài ra, Samsung cũng gia tăng vốn vào dự án SamSung Display Việt Nam tại Bắc Ninh, với tổng số vốn tăng thêm là 2,5 tỷ USD. Nhà đầu tư Hàn Quốc này cho biết sẽ gia tăng quy mô sản xuất và đẩy mạnh dự án tại khu vực này.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 182,59 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 51,27 tỷ USD; ngành sản xuất, phân phối điện, khí nước đứng thứ ba với 17,8 tỷ USD. |
Theo Đình Dân (Tri Thức Trực Tuyến)