Samsung đã bị các đối thủ tấn công như thế nào?

29/06/2015 10:24:19

Apple, các công ty smartphone Trung Quốc như Xiaomi... chính là những đối thủ đã khiến thị phần Samsung tụt giảm. Cùng với đó, bản thân sự thiếu sáng tạo trong thiết kế cũng khiến smartphone Samsung không còn hấp dẫn người dùng.

Apple, các công ty smartphone Trung Quốc như Xiaomi... chính là những đối thủ đã khiến thị phần Samsung tụt giảm. Cùng với đó, bản thân sự thiếu sáng tạo trong thiết kế cũng khiến smartphone Samsung không còn hấp dẫn người dùng.
Apple
 
 
Samsung từng được đánh giá là đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với Apple, thương hiệu đã quá thành công với chiếc điện thoại iPhone của mình. Năm 2011, khi Apple vẫn đang loay hoay với chỉ một model iPhone màn hình 3,5 inch duy nhất, Samsung trình làng mẫu phablet (smartphone màn hình lớn) với màn hình lên tới 5,3 inch. Sự bảo thủ của Apple phần nào khiến người dùng bắt đầu cảm thấy nhàm chán với iPhone và tìm kiếm những lựa chọn thay thế.
 
Galaxy Note được chào đón nhiệt liệt. Mặc dù về trải nghiệm thực tế cũng như thiết kế, phablet của Samsung không có sự đột phá; nhưng chỉ cần với màn hình lớn, cấu hình mạnh, nó cũng đủ hấp dẫn để người dùng tìm đến. Thậm chí ngay cả những người dùng từng xem điện thoại Samsung chỉ là "thương hiệu hạng hai" dành cho các bà nội trợ, trẻ con và người cao tuổi, cũng quyết định chọn Galaxy Note để thỏa mãn nhu cầu smartphone màn hình lớn, pin "trâu" và chất lượng ổn định. Galaxy Note đạt mốc 10 triệu máy sau 9 tháng lên kệ. Galaxy Note 2, Note 3 (ra mắt lần lượt vào tháng 8/2012 và tháng 9/2013) còn thành công hơn thế: Note 2 mất 4 tháng, còn Note 3 chỉ mất 2 tháng để bán được 10 triệu chiếc.
 
Tuy nhiên, Samsung đã không còn vị thế độc tôn ở thị trường phablet. Dưới sự điều hành của Tim Cook - một doanh nhân chính hiệu, Apple nhận thấy nhu cầu phablet là rất lớn và hãng đã không ngồi yên để Samsung hưởng thụ. iPhone 6 và iPhone 6 Plus ra mắt năm 2014 chính là lời đáp trả của Apple với dòng Galaxy S và Galaxy Note của Samsung. Với màn hình lên tới 4,7 inch và 5 inch, bộ đôi iPhone này nhanh chóng thu hút toàn bộ sự chú ý của giới công nghệ, và ngay trong quý đầu tiên lên kệ, chúng giúp Apple có doanh thu và lợi nhuận kỷ lục với 74,5 triệu máy được tiêu thụ trong 3 tháng cuối của 2014.
 
Báo cáo của IDC hồi tháng 3/2015 cho biết Samsung đã bị Apple qua mặt trong quý IV/2014 để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Số liệu của IDC nói rằng Apple bán được 74,8 triệu iPhone, trong khi số smartphone mà Samsung bán ra chỉ còn 73 triệu máy. Như vậy, tình hình đã đảo ngược so với cách đó một năm, khi Samsung bán được 83,3 triệu smartphone, trong khi iPhone chỉ tiêu thụ được 50,2 triệu máy. Đó là chưa kể Apple chỉ bán iPhone - model thuộc hàng cao cấp với lợi nhuận rất lớn; còn doanh số smartphone Samsung đã tính cả các model giá rẻ. Chính vì vậy, cho dù Samsung có giành lại được ngôi vương sau đó ít lâu - theo thống kê của Strategy Analytics, thì Apple vẫn là "người chiến thắng chung cuộc".
 
Xiaomi
 
 
Không chỉ bị Apple qua mặt ở phân khúc cao cấp, Samsung còn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các hãng smartphone mới nổi. Trong số này, Xiaomi nổi lên là kẻ thách thức số một. Xuất thân từ một công ty nhỏ chuyên phát triển các bản ROM tùy biến cho Android, Xiaomi nhanh chóng "lột xác" để trở thành một công ty sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.
 
Rất nhiều sản phẩm của Xiaomi được bán tại Trung Quốc, dẫn đến việc thị phần của hãng này tăng mạnh. Quý II/2014, Xiaomi trở thành công ty smartphone hàng đầu tại Trung Quốc (thống kê của Canalys) với 14% thị phần. Vị thế dẫn đầu của Samsung tại thị trường này từ 2012 đã bị lấy mất từ đó. Họ chỉ còn chiếm 12% thị trường. Theo IDC, số lượng smartphone của Samsung bán ra tại thị trường Trung Quốc giảm 22% trong 2014, trong khi con số này của Xiaomi tăng 187%. Samsung luôn là một cái tên thường xuyên xuất hiện tại những nền kinh tế mới nổi. Thế nhưng tháng 1 vừa rồi, Xiaomi tuyên bố sẽ tiến tới Brazil, Nga và nhiều thị trường mới nổi khác.
 
Nhờ những chiến lược hợp lý, công ty Trung Quốc này có thể sản xuất những mẫu smartphone với cấu hình cao nhưng giá bán rất rẻ. Chiếc Mi 4 với thiết kế giống iPhone, dùng chip Snapdragon 801 4 nhân, 3GB RAM, bộ nhớ lưu trữ 16 GB, màn hình 5 inch full-HD được bán với giá chỉ 322 USD, rẻ hơn rất nhiều so với iPhone của Apple. Thậm chí, nếu người dùng không đủ chi phí cho Mi 4, họ có thể tìm đến những model còn rẻ hơn nữa trong dòng Redmi của Xiaomi.
 
Xiaomi cũng rất khôn ngoan để gây sự chú ý bằng cách chỉ tung hàng "nhỏ giọt" thay vì sản xuất hàng loạt. Bằng cách này, công ty thu hút được cả giới truyền thông, và tạo cho người dùng cảm giác rằng điện thoại của mình đang rất được ưa chuộng.
 
Nếu như Samsung phải chi hàng núi tiền cho marketing, quảng cáo, cũng như thuê mặt bằng cho các cửa hàng, thì Xiaomi lại làm hoàn toàn ngược lại. Công ty Trung Quốc bán hàng chủ yếu qua hình thức trực tuyến (bán hàng qua mạng Internet) thông qua các đợt flash sale. Đây cũng là một trong những yếu tố chính giúp công ty tiết kiệm chi phí từ đó giảm giá bán của sản phẩm.
 
Về mặt phần mềm, giao diện MIUI của Xiaomi cũng được đánh giá rất tốt, được tối ưu không thua kém bất kỳ bản ROM Android nào trên thị trường. Trong khi đó giao diện người dùng TouchWiz của Samsung luôn bị chê là quá rườm rà, nhiều chức năng thừa, khó dùng, và không thân thiện. Kết hợp lại, Samsung tỏ ra thua kém đối thủ cả về mọi mặt, và việc công ty Hàn Quốc bị qua mặt dường như là một thực tế không thể tránh khỏi.
 
Micromax
 
 
Micromax - công ty smartphone tương tự như Xiaomi nhưng là ở Ấn Độ, cũng cạnh tranh mạnh mẽ với Samsung ở quốc gia Nam Á này. Ấn Độ là thị trường được đánh giá là vô cùng màu mỡ đối với tất cả các nhà sản xuất smartphone. Nhu cầu smartphone tại đây là rất lớn (theo các con số thống kê, đây là thị trường smartphone lớn thứ ba thế giới). Quý IV/2014, lượng smartphone bán ra tại Ấn Độ đạt 21,6 triệu máy, mức tăng trưởng 90% so với cùng kỳ năm trước đó.
 
Cũng trong quý cuối cùng năm ngoái, thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Canalys cho biết Micromax vượt mặt Samsung để trở thành công ty smartphone lớn nhất Ấn Độ. Micromax chiếm giữ 22% thị trường smartphone trong quý này, trong khi thị phần của Samsung là 20%.
 
Thành công của Micromax đến từ một chiến lược giống như Xiaomi: bán smartphone giá rẻ. Ấn Độ vẫn là quốc gia đang phát triển, người dùng smartphone chủ yếu là những người nâng cấp từ điện thoại cơ bản. Gần 1/4 smartphone được bán tại Ấn Độ trong quý IV/2014 có giá dưới 100 USD, trong khi 41% số điện thoại thông minh được bán thuộc tầm giá 100 USD - 200 USD. Rõ ràng, người dùng Ấn Độ không có quá nhiều tiền để mua những chiếc điện thoại đắt tiền, và Micromax đã đánh vào nhu cầu này và tung ra những mẫu smartphone có giá thuộc hàng rẻ nhất thế giới để thu hút khách hàng.
 
Theo Minh Thống (Ictnews.vn)