Hai tháng qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều người lao động phải thuê nhà trọ ở các thành phố lớn đối mặt với vô vàn khó khăn. Ngoài mất việc hoặc bị giảm thu nhập so với trước, mọi chi tiêu hàng ngày họ vẫn phải gồng gánh. Chưa kể, khoản tiền thuê nhà hàng tháng đè nặng.
Tuy nhiên, cũng may mắn khi nhiều chủ nhà trọ đã chủ động giảm tiền thuê cho khách.
Chị Trần Thị Hòa, chủ một salon tóc trên đường Tô Hiệu, Cầu Giấy (Hà Nội), cho hay, chị thuê địa điểm này đã 3 năm nay với giá 15 triệu đồng/tháng. Ngay đợt dịch đầu, chủ nhà đã giảm tiền thuê cho chị từ 10-30%. Đặc biệt, 2 tháng gần đây, khi tình hình dịch bệnh căng thẳng hơn và chị phải đóng cửa chống dịch, chủ nhà trọ còn giảm 50% tiền thuê nhà.
“Riêng tháng 7 vừa rồi, do salon phải đóng cửa gần như hoàn toàn nên chủ nhà đã miễn phí 100% tiền cho thuê. Thấy vậy mình mừng lắm và rất trân trọng. Bởi thực tế, dịch bệnh như này, nhà chủ tùy tâm giảm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu cho mình. Dù không giảm mình cũng chẳng dám trách móc, coi như rủi ro kinh doanh phải chịu”, chị Hòa nói.
Tháng 8 này, salon của chị cũng đóng cửa suốt vì vẫn giãn cách xã hội. Tuy chưa đến cuối tháng, nhưng hôm trước chủ nhà cũng thông báo cứ đóng theo quý 3 tháng, xong đưa lại cho chị 1 tháng gọi là hỗ trợ mùa dịch với khách thuê.
“Cô chủ thuê nhà mình tốt lắm. Cô ấy còn bảo cứ yên tâm, còn dịch bệnh là cứ một quý đóng 3 tháng thì cô đưa lại ngay cho 1 tháng”, chị Hòa kể.
Theo chị Hòa, không chỉ riêng chị, nhiều bạn bè chị đi thuê nhà làm cửa hàng kinh doanh cũng khoe rằng mùa dịch này họ được giảm tới 40-50% tiền thuê. Thậm chí, có người còn được chủ nhà giảm thêm 10% hóa đơn điện nước. “Giảm được chừng nào tốt chừng đó vì cũng chưa biết dịch kéo dài đến bao giờ”.
Do dịch bệnh, công ty linh kiện điện tử của anh Lê Văn Hiến ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) không bán được hàng nên cho nhân viên nghỉ không lương gần hai tháng nay. Thất nghiệp ở nhà nhưng vẫn phải chi tiêu, anh lại không được chủ nhà giảm tiền trọ. Tháng 7, anh mạnh dạn xin mà chủ nhà không bớt cho đồng nào.
“Tôi ở Thái Nguyên xuống Hà Nội làm thuê, ở một phòng trọ giá 1,7 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh như thế, nhưng không thấy bà chủ nhà thông báo giảm tiền thuê trọ. Hôm trước tôi mạnh dạn xin bác ấy chỉ nói 1 câu: để tính xem". Nghe thế, anh em cũng chẳng hy vọng nhưng cuối tháng rồi bác ấy nhắn tin bảo giảm có 40%. Hỏi ra mới biết bác ấy đã giảm cho các sinh viên thuê trọ kẹt lại hà nội cả tháng 6 - 7 rồi, nên muốn giảm thêm cho đội lao động thì phải tính vì phải cân đối tiền trả nợ vay ngân hàng xây nhà trọ.
Anh Hiến nói rằng, được giảm mừng quá nhưng nếu không cũng đành vì bác chủ cũng chỉ trông vào nguồn tiền cho thuê nhà. Lại còn vay ngân hàng để xây nhà trọ, tiền cho thuê là để trả ngân hàng. Có khi thực tâm họ cũng muốn hỗ trợ nhưng cũng có người khó khăn lắm.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyên, chủ một dãy trọ 10 phòng cho thuê ở Hà Trì, Hà Đông, cho hay, trong tháng 6-7 vừa rồi bà đã giảm 40% tiền thuê nhà cho khách. Tháng 8 này, bà dự định cũng giảm như vậy để khách thuê yên tâm ở nhà phòng chống dịch.
“Dịch bệnh nên tôi cũng giảm giá phòng trọ để chia sẻ khó khăn với người thuê trọ bị mất việc, giảm thu nhập hoặc có khó khăn khác để họ sống tốt hơn và lạc quan hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể giảm 100% tiền trọ được dù rất muốn vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Bởi ngoài tiền thuê nhà, còn tiền điện, tiền nước. Chưa kể, ngân hàng cũng phải giãn gốc và giảm lãi cho chủ nhà trọ.
Như nhà bà Quyên cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn. “Khó khăn nhất vẫn là gánh nặng lãi ngân hàng nhà tôi đã vay để xây khu trọ này do đầu tư một cục, thu lại bằng tiền cho thuê phòng hàng tháng. Đây cũng là nguồn thu duy nhất để tôi trả lãi ngân hàng. Nếu miễn giảm phí thuê trọ, nhà tôi cũng chật vật. Ngoài ra còn chi phí bảo dưỡng, duy tu nhà nữa”, bà nói.
Bà nói thêm, nhiều chủ nhà khác, thay vì miễn giảm tiền thuê nhà đã hỗ trợ người lao động bằng nhu yếu phẩm khác như gạo, rau củ hoặc giảm tiền điện/nước.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)