Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện chưa phát hiện các dấu hiệu vi phạm hình sự tại các công ty này, các vi phạm chủ yếu được chuyển sang có các cơ quan như cơ quan thương mại, thuế, quản lý thị trường...
"Để có kết quả về mức phạt sẽ phải thực hiện điều tra tiếp theo đúng quy trình, tuân theo quyết định 185, theo luật cạnh tranh. Đồng thời, phải xem xét cụ thể từng hành vi, trên cơ sở đó mới đưa ra được mức phạt cuối cùng. Theo quy định, dự kiến khoảng 2 tháng sẽ có kết quả", ông Tuấn nói.
Khi được hỏi đối với các trường hợp sai phạm mạnh thì Cục Quản lý cạnh tranh có tính tới việc rút giấy phép của 2 công ty trên như đã làm với nhiều trường hợp vi phạm trước đó hay không, ông Tuấn khẳng định: "Sẽ làm theo đúng quy định, tinh thần là quyết liệt, sai đến đâu xử lý đến đó".
Như tin đã đưa trước đó, ngày 16/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Amway Việt Nam và Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều dấu hiện vi phạm tại 2 công ty này.
Trong đó, Amway Việt Nam, kết quả kiểm tra cho thấy, công ty này đã không xuất trình được bằng chứng chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ thông báo tới một số Sở Công Thương đối với các lần sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Mặc dù, thực hiện đào tạo kiến thức cơ bản cho nhà phân phối thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến tại website www.welcome2amway.com nhưng Công ty này lại chưa có biện pháp chặt chẽ để đảm bảo nhà phân phối theo dõi và nắm bắt toàn bộ nội dung đào tạo cơ bản.
Tại Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, kết quả kiểm tra cho thấy, một số sản phẩm thực phẩm chức năng tại kho có nhãn gốc chưa đúng với nhãn gốc đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường. Một số Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp ký với nhà phân phối không ghi đầy đủ thông tin của nhà phân phối theo quy định.
Thiên Ngọc Minh Uy chưa thực hiện việc đào tạo cơ bản, cấp Chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp và cấp Thẻ thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp theo quy định cho toàn bộ nhà phân phối đang hoạt động. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện trường hợp nhà phân phối không có tên trong Danh sách đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp của Công ty nhưng vẫn được Công ty cấp Chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp.
Đoàn kiểm tra khẳng định, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã không xuất trình được bằng chứng chứng minh rằng Công ty này đã thực hiện nghĩa vụ thông báo tới một số Sở Công Thương đối với các lần sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Năm 2015, Thiên Ngọc Minh Uy đã không giám sát kịp thời, để cho cơ sở Thiên Phúc - Ân Thi tại Cốc Ngang, Phạm Ngũ Lão, Kim Động, Hưng Yên thực hiện không đúng nghĩa vụ hoàn lại tiền khi mua lại hàng hóa từ nhà phân phối.
Đối với các sản phẩm mỹ phẩm Kang Yi Dao, có nhiều khả năng gây hiểu nhầm là Công ty kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo phương thức đa cấp, không phù hợp với đối tượng kinh doanh bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 4 Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Công ty ký một hợp đồng, cấp một mã số khách hàng cho nhà phân phối nhưng cho phép nhà phân phối có nhiều mã số đơn hàng và hưởng quyền lợi theo Chương trình trả thưởng đối với các mã số đơn hàng đó.
Đoàn kiểm tra cũng đã làm rõ, năm 2015, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại dưới dạng tặng tiền mặt cho các nhà phân phối theo phương thức đa cấp đối với từng đơn hàng, theo đó, giá trị tiền mặt khuyến mại mà nhà phân phối có thể được hưởng từ từng đơn hàng có thể vượt quá giá trị của đơn hàng đó.
Trước 2 doanh nghiệp này, tháng 3/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã ký quyết định lập các đoàn kiểm tra với 7 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Marketing, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết tri thức, Công ty Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long. Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46).
Tiếp theo, đến tháng 7/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Kết luận kiểm tra đối với 4 doanh nghiệp, bao gồm Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết tri thức, Công ty Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long.
Sau các đợt kiểm tra này, Bộ Công Thương đều đã làm rõ các sai phạm khá nghiêm trọng ở nhiều Công ty bán hàng đa cấp với số nạn nhân bị lừa đảo lên tới hàng vạn người. Đã có hàng loạt Công ty bị rút giấy phép bán hàng đa cấp trong đó các công ty khá đình đám như các công ty: Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long, Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam... Hàng loạt Công ty khác bị phạt tiền với số tiền phạt lên tới hàng chục tỷ đồng.
Theo Phương Dung (Dân Trí)