Thực tế khi dự án mở rộng Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) giai đoạn hai, bắt đầu xuất hiện trục trặc và có những phương án “cấp cứu” được đưa ra, trong đó có việc đề xuất bơm thêm vốn để nâng tổng mức đầu tư lên 8.100 tỷ đồng, lãnh đạo 3 Bộ: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cảnh báo việc tăng thêm 4.200 tỷ đồng cho dự án là thiếu cơ sở, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.
Theo hồ sơ dự án của TISCO và các văn bản báo cáo lên Bộ Công Thương tại thời điểm năm 2012, trên cơ sở đề nghị của TISCO, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) và sau đó là Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 3.800 tỷ đồng lên hơn 8.100 tỷ đồng. Sau khi nghiên cứu báo cáo của Bộ Công Thương và trước khi quyết định cho phép bơm một lượng vốn rất lớn thêm cho dự án, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ, ngành như Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia thẩm định và nêu ý kiến.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và đánh giá hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Chính phủ lưu ý, dự án này đang có những dấu hiệu khá bất thường trong quá trình triển khai. Bộ KH&ĐT nêu quan điểm không ủng hộ việc nâng vốn đầu tư cho dự án của TISCO. Lý do được đưa ra, dự án giai đoạn 2 đang sử dụng trên 30% vốn Nhà nước. Đặc biệt, các hồ sơ trình lên đều cho thấy không có cơ sở để điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với Hợp đồng EPC 01. Trong đó, tổng thầu Trung Quốc là Công ty Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) lại đang thực hiện hợp đồng EPC 01 chậm tiến độ hàng loạt hạng mục khác nhau.
Đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, nếu tổng thầu phía Trung Quốc MCC không có các giải pháp để hoàn thiện sớm các gói thầu thì TISCO hoàn toàn có thể áp dụng điều khoản phạt hợp đồng để xử lý, đồng thời có thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu lại theo quy định để đảm bảo hiệu quả, tiến độ dự án…
“Các đề xuất của nhà thầu về điều chỉnh liên quan đến các chi phí về nhân công, máy thi công (thuộc phần xây lắp), chi phí thiết bị là không khả thi và không phù hợp với quy định hiện hành. Cùng đó, việc đề xuất tăng chi phí thiết kế và dịch vụ kỹ thuật trong bối cảnh nhà thầu MCC triển khai chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký và chưa có giải pháp khắc phục nên không có lý do gì để được điều chỉnh giá”, Bộ KH&ĐT cho hay. Bộ này cũng cho ý kiến về việc chủ đầu tư đề xuất bù thiệt hại do thay đổi tỷ giá và khẳng định trong trường hợp hợp đồng thanh toán của TISCO nếu ký với nhà thầu Trung Quốc tính bằng USD thì càng không có lý do để xem xét điều chỉnh tổng vốn đầu tư.
Về việc cho dự án được tăng vốn nhưng Bộ Xây dựng dù đồng ý nhưng cũng lưu ý với Bộ Công Thương về việc dự án đang triển khai bằng hợp đồng EPC nên sẽ phải thực hiện quản lý hợp đồng và việc triển khai đúng theo nội dung đã ký và không được trái với các quy định hiện hành của pháp luật.
Trong văn bản nêu đóng góp ý kiến gửi đi, đại diện Bộ Tài chính bày tỏ nhiều băn khoăn về những “vết gợn” trong đề xuất tăng vốn đầu tư của TISCO và Bộ Công Thương. Theo Bộ Tài chính, bản giải trình của TISCO về điều chỉnh tăng chi phí một số nội dung của dự án chưa hợp lý ở phần chi phí xây lắp “Phần C tăng lên gấp 4 lần (lên tới hơn 2.900 tỷ đồng) là không hợp lý trong khi chi phí sắt, xi măng, nhân công chỉ tăng 0,5-0,8 lần. Chi phí quản lý dự án, tư vấn tăng thêm hơn 100% với số tiền hơn 61 tỷ đồng so với đề án ban đầu là không hợp lý”, Bộ Tài chính phân tích.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, thẩm định lại sự cần thiết, lý do điều chỉnh tổng mức đầu tư, xem xét khả năng thu xếp vốn tự có của chủ đầu tư, hiệu quả và khả năng trả nợ của dự án… Khi đáp ứng được các yêu cầu thì mới có cơ sở để xem xét việc điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Cùng bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc điều chỉnh vốn đầu tư dự án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc dự án tăng tổng mức đầu tư thêm 4.200 tỷ đồng là rất lớn và cần phải được thẩm định lại hiệu quả kinh tế - xã hội và tính khả thi trước khi quyết định.
Ngân hàng Nhà nước trong văn bản của mình cũng chỉ rõ những bất thường trong việc đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đơn vị này cho rằng, hơn 72% số tiền đầu tư xin điều chỉnh chủ yếu là phần tăng thêm chi phí cho gói thầu EPC số 01 do nhà thầu MCC thực hiện. Số tiền tăng thêm tới hơn 3.000 tỷ đồng cho nhà thầu Trung Quốc như vậy khá bất thường.
“Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TISCO làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đề xuất tăng tổng vốn đầu tư”, Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm trong văn bản gửi Chính phủ.
Dù đã được 4 bộ, ngành cùng nêu quan điểm và tại thời điểm đó nhà thầu Trung Quốc MCC và các nhà thầu Việt Nam đã dừng việc thi công dự án nhưng sau đó, ngày 22/4/2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công Thương và VnSteel thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc HĐQT VnSteel quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả...
Văn bản cũng nêu rõ việc đồng ý về nguyên tắc cho các Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Vietinbank xem xét cho vay tiếp. Nếu vượt hạn mức, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Nhờ quyết định này mà sau đó, Chủ tịch HĐQT TISCO thời đó là ông Mai Văn Tinh đã ký quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.100 tỷ đồng.
Ít tháng sau khi dự án được tăng tổng vốn đầu tư, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cho hay, việc tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng đã được bộ này và VnSteel rà soát thẩm tra. Hàng loạt các sai phạm sau đó lại tiếp tục diễn ra khiến TISCO ngày càng lún sâu vào những sai phạm nghiêm trọng trong khi dự án không có cửa hồi sinh cho đến tận bây giờ.
Gang thép Thái Nguyên ngấp nghé nguy cơ phá sản
Trong báo cáo tài chính gửi các cổ đông hôm 10/4 vừa qua, lãnh đạo Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thừa nhận hiện doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng. “Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại doanh nghiệp nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời”, báo cáo của Hội đồng quản trị TISCO nêu rõ.
Các số liệu cho thấy, dù vốn điều lệ của TISCO tới cuối năm 2018 gần 1.937 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm khoảng 82% cơ cấu vốn.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về sau, việc Bộ Công Thương có các văn bản báo cáo Chính phủ như vậy và việc Văn phòng Chính phủ có hai văn bản cho phép nâng tổng vốn đầu tư là nguyên nhân khiến dự án có thêm nhiều sai phạm. Thanh tra Chính phủ kết luận những sai phạm này trách nhiệm thuộc về lãnh đạo và các cán bộ có liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương; Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, cán bộ có liên quan thuộc VnSteel; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, cán bộ có liên quan thuộc TISCO….
Tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho các hạng mục của dự án là hơn 4.400 tỷ đồng trong đó tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là gần 3.900 tỷ đồng (lãi vay phải trả trên 40 tỷ đồng/tháng).
Dù chưa hoàn thành công việc theo hợp đồng EPC cho các hạng mục nhưng TISCO đã thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng. Trong đó Phần E hợp đồng đã thanh toán 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD (tỷ lệ thanh toán 92,77%); Phần P hợp đồng thanh toán 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD (tỷ lệ thanh toán 92,89%).
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)