Sai lầm mua nhà ven đô: Ngày đi 40km, 10 năm vật vã trả nợ ngân hàng

12/06/2021 08:18:08

Dù đã có nhà biệt thự ven đô sau 10 năm lo trả lãi ngân hàng, nhưng anh Trần Anh Tuấn vẫn thấy quyết định mua nhà 10 năm trước là sai lầm lớn trong đời.

Vợ chồng anh Trần Anh Tuấn ở Bắc Ninh lấy nhau 13 năm thì có tận 10 năm cùng nhau oằn mình trả nợ ngân hàng vì quyết định mua nhà 20 năm trước.

Do đều là người có bằng cấp, lại khá năng động trong công việc nên sau khi ra trường, vợ chồng anh đều có mức lương khá. Vợ anh Tuấn là giáo viên dạy tiếng Anh, cả dạy thêm và dạy chính thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Còn anh Tuấn là quản lý của một phân xưởng chuyên sản xuất linh kiện xe máy, lương tháng 10 triệu đồng. Tổng thu nhập của vợ chồng anh khoảng 30 triệu/tháng.

Sau kết hôn, vợ chồng anh đều làm việc tại Hà Nội. Dù ở trọ hơn hai năm và mỗi tháng để ra được 20 triệu đồng, mỗi năm tiết kiệm được 240 triệu nhưng vợ chồng anh Tuấn vẫn chưa mua được nhà ở Hà Nội.

Sai lầm mua nhà ven đô: Ngày đi 40km, 10 năm vật vã trả nợ ngân hàng
Nhiều cặp vợ chồng trẻ ra Hà Nội lập nghiệp xoay xở để mua được nhà an cư

“Những cặp vợ chồng trẻ từ quê ra Hà Nội như chúng tôi vừa lo mưu sinh, lại mới cưới nên phải tự bươn trải tìm chốn an cư. Chúng tôi muốn mua nhà đất lắm nhưng nhà Hà Nội tầm 50m2 dù ở trong ngõ cũng phải hơn 3 tỷ, lại chật hẹp. Mà đi thuê nhà, vợ chồng tôi lại bị đẩy vào thế khó, rất mệt mỏi bởi bị chủ nhà hay tăng giá vô lý”, anh Tuấn nói.

Cuối cùng sau nhiều suy tính, vợ chồng anh Tuấn quyết định mua căn nhà vùng ven ở huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Đó là một căn nhà biệt thự 80m2 với giá 2,5 tỷ.

“Thời điểm mua nhà, vợ chồng tôi có đúng 500 triệu trong tay. Vì thế, chúng tôi phải vay ngân hàng thêm 2 tỷ trong thời hạn 20 năm, với lãi suất vay là 9%/năm cố định trong suốt thời gian vay. Vì thế, mỗi tháng vợ chồng tôi phải trả tiền gốc là 8,3 triệu đồng. Tiền lãi phải trả là 14,6-15 triệu đồng/tháng. Tổng cả gốc và lãi mỗi tháng phải trả là hơn 23 triệu đồng”.

Như vậy, mỗi tháng vợ chồng anh Tuấn phải gánh cục nợ hơn 23 triệu đồng trong vòng suốt 10 năm qua. Đến nay, hành trình trả tiền mua nhà của vợ chồng anh mới đi được nửa chặng đường, còn 10 năm làm lụng trả nợ nữa mới có căn nhà của riêng mình.

Để có số tiền này mỗi tháng, vợ chồng anh Tuấn luôn phải động viên nhau chịu khó làm thêm để tăng thu nhập.

“Nhiều lúc vợ chồng tôi cũng mệt mỏi lắm vì vừa phải kiếm sống mưu sinh vừa phải trả nợ ngân hàng, chưa kể bao khoản chi tiêu hàng ngày khác. Mà đi làm xa nhiều lúc tắc đường, mệt mỏi. Điều này làm hai vợ chồng nhiều khi thấy đuối sức. Có lúc vợ tôi bảo, hai đứa dường như đang đánh đổi cả đời mình chỉ đổi lấy bốn chữ 'có nhà an cư”, anh Tuấn kể.

Theo anh Tuấn, may mà 10 năm qua, vợ chồng anh không xảy ra biến cố sức khỏe hay rủi ro gì về công việc. Biết là rất áp lực, hai vợ chồng phải tự ép mình vào tình thế như vậy mới mua được nhà, chứ chờ đủ tiền thì không bao giờ mới mua nổi nhà ở thành phố.

Sai lầm mua nhà ven đô: Ngày đi 40km, 10 năm vật vã trả nợ ngân hàng - 1
Thế nhưng, nếu không tính toán cẩn thận, rất dễ rơi vào tình huống vật vã trả nợ ngân hàng (ảnh minh họa)

Vợ chồng anh Tuấn đang cố gắng trả hết nợ trong vòng 4-5 năm nữa. 

Tuy nhiên, nói về việc cố gắng vay nợ ngân hàng mua biệt thự vùng ven đô, ngẫm lại, người đàn ông này nhận ra đó là một sai lầm lớn của vợ chồng anh.

5 năm nữa trả hết nợ tiền mua nhà, lúc ấy coi như anh chị đã kiên định đạt được mục tiêu 15 năm lần thứ nhất để tập trung cho hai con nhỏ ăn học. Song, 10 năm qua giá bất động sản cũng tăng khá nhiều, mà căn biệt thự vùng ven như nhà anh giá tăng không đáng kể. Nếu lúc trước, vợ chồng anh mua với giá 2,5 tỷ thì nay cũng chỉ tăng lên 3 tỷ. Mỗi tháng, số tiền mà vợ chồng anh phải trả ngân hàng là 23,3 triệu đồng. Tính ra 10 năm là 120 tháng, anh chị phải trả ngân hàng gần 2,8 tỷ đồng.

“Như vậy, trong 240 tháng vay ngân hàng mua nhà ven đô, vợ chồng tôi phải khoảng gần 5,6 tỷ đồng. Ngoài tiền mua nhà, chúng tôi phải trả nhà băng 3 tỷ đồng mới chính thức sở hữu ngôi nhà này. Con số này thực sự không nhỏ và là cục nợ với vợ chồng tôi. Trong khi, nếu giá đất 10 năm nữa không tăng thì chẳng phải số tiền vay nợ mua nhà nếu gửi tiết kiệm hay thuê nhà có lợi hơn là mua để an cư kiểu này. Đó chẳng phải là sai lầm lớn nhất của chúng tôi sao”, anh Tuấn phân tích.

Hiện anh chị cố gắng làm thêm để tất toán dứt nợ trước thời hạn 5 năm như hợp đồng với ngân hàng, chặn lãi mẹ đẻ lãi con dù có thể bị ngân hàng phạt thanh toán trước hạn.

Anh Tuấn đúc kết, nếu phải vay ngân hàng một số tiền quá lớn khi mua nhà, người mua bầm dập, chỉ ngân hàng là được lợi; ngay cả những khách hàng có khả năng trả nợ trước hạn cũng bị ngân hàng phạt trả trước và tìm mọi cách tận thu. 

Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)