Sacombank bán cổ phần cho một ngân hàng đã 'chết'?

26/01/2018 14:45:03

Vào tháng 11/2017 Sacombank đã có nghị quyết HĐQT về việc bán cổ phần cho một ngân hàng đã không còn dấu tích trên thị trường tài chính Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo quản trị năm 2017. Đây là báo cáo quản trị đầu tiên của Sacombank kể từ khi ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT đầu tháng 7/2017. Điều đặc biệt trong báo cáo này xuất hiện nội dung bán cổ phần cho Ngân hàng TMCP Nam Đô, một ngân hàng đã “mất hút” trên thị trường.

Cụ thể, HĐQT Sacombank ngày 1/11/2017 có Nghị quyết số 226 về việc bán cổ phiếu cho Ngân hàng TMCP Nam Đô. Được biết, Nam Đô là ngân hàng cùng thời với những cái tên như Mê Kông, Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Hoa, hoạt động mạnh vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên khủng hoảng tài chính châu Á 1998, cùng vụ sai phạm của lãnh đạo ngân hàng đã khiến Nam Đô đến nay gần như bị quên lãng và không có một hoạt động tài chính cụ thể  nào.

Sacombank bán cổ phần cho một ngân hàng đã 'chết'?
Sacombank bán cổ phần cho một ngân hàng đã chết. Ảnh: Lê Quân.

Đến nay, thực trạng của Ngân hàng TMCP Nam Đô vẫn chưa được xác nhận rõ ràng.

Ngoài nội dung trên, báo cáo của Sacombank cũng thể hiện sự thay đổi về việc sở hữu cổ phiếu của ông Dương Công Minh trước và sau khi tiếp quản nhà băng này.

Theo đó, khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngày 1/7/2017, ông Dương Công Minh đã sở hữu 41,369 triệu cổ phần Sacombank, tương đương tỷ lệ 2,19%. Sau 2 đợt chào mua công khai, con số này nâng lên thành 3,47% (62,569 triệu cổ phần).

Em gái ông Dương Công Minh là bà Dương Thị Liêm tới cuối năm 2017 cũng sở hữu 11,859 triệu cổ phần Sacombank, tương đương tỷ lệ 0,62%. Trong khi đó, các lãnh đạo khác của Sacombank sở hữu cổ phần không đáng kể.

HĐQT Sacombank trong năm 2017 đã ban hành 297 nghị quyết và 214 quyết định, trong đó riêng 5 tháng dưới thời ông Dương Công Minh là 184 nghị quyết và 117 quyết định. Phần lớn văn bản được ban hành kể từ khi ông Dương Công Minh tiếp quản ghế nóng tại Sacombank xoay quanh xử lý nợ xấu và tái cấu trúc nhà băng này.

Một số nội dung đáng chú ý như HĐQT đồng ý chủ trương thanh lý bất động sản tại 161 Pasteur, quận 3 (TP.HCM); 3 nghị quyết thanh lý 3 xe Lexus và 2 xe Rolls Royce; xử lý tài sản đảm bảo đối với khoản vay của Công ty CP Đầu tư Xây dựng & Khai thác công trình Giao thông 584. Hay nghị quyết về việc bán toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang và Công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hoà; đề ra phương án xử lý nợ đối với khách hàng Dương Thị Bạch Diệp...

Ngoài ra, HĐQT Sacombank ngày 25/7/2017 cũng có Nghị quyết thông qua chủ trương xin vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu VAMC. Các nội dung khác đáng chú ý như phương án bán cổ phiếu Ngân hàng Bản Việt; chấp thuận cho Eximbank bán cổ phần Sacombank...

Từ khi ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT, tình hình kinh doanh của Sacombank được ghi nhận có chuyển biến tích cực, với việc báo lãi năm 2017 gấp gần 10 lần năm 2016.

Theo báo cáo hợp nhất vừa công bố, năm 2017, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 369.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 325.000 tỷ đồng, tăng 11,5%. Khoản cho vay khách hàng nhà băng thực hiện đạt gần 223.000 tỷ đồng, tăng 12,1%, cơ cấu tín dụng cải thiện theo hướng giảm tỷ trọng cho vay trung dài hạn.

Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 1.488 tỷ đồng, gấp 9,5 lần so với năm 2016 và gấp hơn 2,5 lần so với kế hoạch đại hội cổ đông giao.

2017 cũng là năm đầu tiên nhà băng này triển khai tái cơ cấu lại theo đề án mới được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hồi tháng 5/2017, và đã xử lý hơn 19.660 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong số ấy có tới hơn 15.000 tỷ đồng trong số đó là thuộc Đề án tái cơ cấu. 

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)