Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua máy POS: Phạm pháp và nhiều rủi ro

04/03/2019 08:32:57

Ngân hàng cần tuyên truyền để khách hàng biết rằng, không thể dùng thẻ tín dụng để rút tiền qua những giao dịch khống, vì điều đó là phạm pháp.

Hiện nay, dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng đang rất phổ biến. Theo đó, có một số công ty có hợp đồng hợp tác với ngân hàng để áp dụng kênh thanh toán thẻ Visa vào việc chấp nhận thanh toán các giao dịch mua bán hàng hóa. Những công ty này có thể giúp chủ thẻ rút toàn bộ hạn mức tín dụng được cấp bằng tiền mặt để dùng vào mục đích khác thay vì mua sắm hàng hóa qua thẻ.

Cách phổ biến nhất là khách hàng có thể rút tiền từ thẻ tín dụng tại các cây ATM của ngân hàng. Ngoài cách này, thì hiện có dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng qua máy POS,  khách hàng có thể rút được 100% hạn mức tín dụng được cấp. 

Điều đáng nói, phí ứng tiền mặt khi rút qua cây ATM của các ngân hàng thường khá cao, dao  động trên dưới 4%, còn phí rút tiền mặt qua POS dao động từ 1,2% - 1,6%. Do vậy, rút tiền từ thẻ tín dụng qua máy POS đang là phương pháp được nhiều khách hàng ưa chuộng…  

Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua máy POS: Phạm pháp và nhiều rủi ro
Rút tiền từ thẻ tín dụng qua máy POS đang rất phổ biến hiện nay. (Ảnh minh họa: KT)

Theo ông Nghiêm Sỹ Thắng, Giám đốc Khối Công nghệ ngân hàng, Ngân hàng Việt Á, về bản chất thì đây là hình thức giao dịch khống vì máy POS chỉ có chức năng thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ. Cách thức rút tiền cũng khá đơn giản, sau khi thỏa thuận với dịch vụ rút tiền, khách hàng mang thẻ tín dụng đến dịch vụ quẹt thẻ và nhận ngay 100% tiền mặt có trong thẻ. Nội dung được in trên hóa đơn rút tiền là mua sắm tiêu dùng hoặc mua một mặt hàng có giá trị của một công ty “ảo” nào đó.   

Do lãi suất rút tiền mặt trên thẻ tín dụng thấp hơn vay ngân hàng nên nhiều người đã sử dụng cách này để rút tiền mặt. Thay vì đến tháng phải trả lãi, người vay chỉ phải trả một khoản phí đáo hạn cho dịch vụ rút tiền. 

Ông Thắng cho rằng, việc rút tiền từ thẻ tín dụng qua máy POS mang lại thuận lợi cho người sử dụng nhưng lại tiềm ẩn rủi ro rất cao, vì đây chưa phải là hình thức giao dịch được pháp luật thừa nhận. 

Rủi ro thứ nhất là khi khách hàng rút hết tiền mặt, sử dụng hết hạn mức đó thì họ có thể rơi vào tình trạng nợ nần. Do đó, khi dùng thẻ tín dụng phải cân nhắc về kế hoạch tài chính để đảm bảo có thể thanh toán được số tiền đã ứng khi tới hạn. Bởi lẽ nếu không thanh toán đúng kỳ hạn sao kê thì sẽ bị ngân hàng phạt do chậm thanh toán. 

Mặc dù đi đôi với dịch vụ rút tiền trên thị trường cũng có các dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng sẽ giúp khách hàng chuyển nợ sang kỳ tiếp theo, nhưng nếu sử dụng lâu dài những dịch vụ này thì số phí phải chi cho các dịch vụ rút tiền sẽ không hề nhỏ.  

Một rủi ro nữa mà ông Thắng chỉ ra là rút tiền từ thẻ tín dụng sẽ gây vỡ nợ và rủi ro cho ngân hàng do phát sinh nợ xấu. 

Trước thực trạng trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng phải rà soát lại hệ thống của mình, rà soát lại các dữ liệu về khách hàng. Nếu thấy khách hàng rút tiền, mua giao dịch thường xuyên lên mức tối đa của hạn mức của thẻ tín dụng thì phải có sự cảnh báo. Còn nếu ngân hàng phát hiện ra khách hàng đã dùng những giao dịch khống như vậy để rút tiền mặt thì lập tức phải chấm dứt hợp đồng tín dụng hay khóa thẻ tín dụng của khách hàng đó. 

TS. Hiếu cũng cho biết thêm, các ngân hàng cần có dữ liệu, danh sách điểm giao dịch của những công ty, doanh nghiệp mà họ đã từng sử dụng giao dịch khống để rút tiền cho khách hàng, để hễ phát hiện ra thì có biện pháp xử lý kịp thời. 

“Với khách hàng, ngân hàng cần tuyên truyền để khách hàng biết một cách rõ ràng là không thể dùng thẻ tín dụng để rút tiền qua những giao dịch khống như vậy, vì điều đó là phạm pháp.”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay

Theo Chung Thủy (VOV.vn)