Thời điểm này, việc chuẩn bị nguồn hàng Tết đã bắt đầu chuyển động, với yêu cầu kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa và bảo đảm sự bình ổn giá cả thị trường.
Ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, sản xuất của nhóm hàng thực phẩm đang tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp (DN) đang tập trung chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Theo đó, tổng giá trị hàng hóa của DN chuẩn bị là 10.224,5 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường khoảng 4.088 tỷ đồng. Lượng hàng hóa chuẩn bị tăng từ 14,6 – 17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 21 – 28% so với kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Trong đó, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng 2 – 3 lần so với tháng thường.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho rằng, nhiều nhóm hàng được chuẩn bị với lượng lớn, chi phối 20 – 53,2% nhu cầu thị trường. Cụ thể, thị gia cầm chiếm 53%, trứng 48,6%, thực phẩm chế biến là 28%, thịt gia súc chiếm 21%,… Đối với mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 19.000 tấn. Các công ty bánh kẹo đang tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Với mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu của thị trường thành phố trong tháng Tết đạt khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát, tăng khoảng 30% so với các tháng thường.
Song song với việc chuẩn bị hàng Tết Canh Tý 2020, ngành Công thương TP HCM chỉ đạo DN sản xuất, đơn vị phân phối giữ giá cả hàng hóa ổn định, không được tăng giá đột biến. Chợ đầu mối tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ. Đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng quy định niêm yết giá. Tại chợ truyền thống, Ban quản lý các chợ có phương án tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết. Ngoài ra, Ban Quản lý các chợ truyền thống cần vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu.
Ngoài ra các cơ quan chức năng tại TP HCM còn tập trung kiểm tra, phát hiện hàng hóa không đúng nguồn gốc, hàng giả. Theo kế hoạch, Cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với 24 quận – huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả. Kiểm tra hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường trong nước, các hành vi đầu cơ, găm hàng để tăng giá.
Theo Thanh Giang (Đại Đoàn Kết)