Đó cũng là nguyên nhân khiến tình trạng đòi nợ qua điện thoại, khủng bố, bôi nhọ trên mạng xã hội gia tăng. Xử phạt các app cho vay nặng lãi, khủng bố đòi nợ đồng thời cũng nên có hình thức xử lý nghiêm cả những hành vi vay tiền rồi “quỵt” nợ của người đi vay. Thật là “kẻ cắp gặp bà già” vậy!
Muôn kiểu “quỵt” nợ
Mới đây Công an thành phố Hà Nội vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua app và đòi nợ thuê có quy mô lớn, liên quan đến gần 300 đối tượng, trong đó có cả người nước ngoài.
Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2-30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này.
Người vay sẽ phải thanh toán trong vòng từ 3-5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được cắt ngay khi giải ngân. Nếu người vay tiền không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con”. Các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ người vay tiền đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà người vay tiền cung cấp trước đó.
Thậm chí, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh của người vay tiền rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép người vay trả nợ hoặc người nhà phải trả tiền. Thủ đoạn khủng bố của các đối tượng cho vay nặng lãi gây bức xúc dư luận suốt một thời gian dài.
Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc cho vay nặng lãi rồi khủng bố, bôi nhọ để đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật nhưng nguyên nhân chính cũng xuất phát từ kẽ hở trong quy trình duyệt hồ sơ tự động. Để thu hút người vay, bên cho vay thường bỏ qua việc xác thực thông tin khách hàng cung cấp. Vì thế người vay có thể sử dụng sim rác, tài khoản mạng xã hội ảo, danh bạ ảo, giấy tờ giả… để vay tiền cùng một lúc nhiều app khác nhau rồi “bùng” nợ.
Thậm chí trên các hội nhóm mạng xã hội, người vay còn dạy nhau những kinh nghiệm để “bùng” tiền khi vay qua app. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cách bùng tiền qua app” sẽ cho một loạt những hội nhóm kín, mở với hàng chục nghìn thành viên hướng dẫn cách “bùng” tiền vay qua ứng dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có 2 hình thức vay phổ biến là vay qua ứng dụng và vay trên website. Nếu vay qua ứng dụng, người dùng sẽ phải mở quyền truy cập về các thông tin cá nhân như danh bạ, tin nhắn, đồng bộ Google và lịch sử cuộc gọi. Còn vay qua website, người dùng sẽ phải để lại đường dẫn tới trang cá nhân Facebook, Zalo và lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng.
Đến hạn không thanh toán, nhóm đòi nợ sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại gọi điện khủng bố người thân, bạn bè, ép người vay trả tiền. Nhiều trường hợp còn bị dọa tung ảnh cá nhân, tin nhắn hội thoại lên mạng xã hội để bêu xấu.
Do đó, trong các hội nhóm này thường bày cách cho các thành viên “bùng” nợ bằng cách tìm mua sim ảo, “nuôi” Facebook, Zalo ảo, dùng CMND giả và “cày” danh bạ ảo…
Trên một hội nhóm có hơn 11 ngàn thành viên, một thành viên đăng đàn: “Mọi người ơi, con RBC bùng thì nó có đăng ảnh với gọi người thân không ạ? Lãi cao quá rồi không trả nổi. Nó có cho trả gốc không ạ”, ngay lập tức bên dưới một loạt các nick vào comment cách “quỵt” nợ, nhưng đa phần đều “inbox mình chỉ cho”. Có nick dạy cách bỏ sim, thay số điện thoại mới, có nick chỉ cho cách nhờ nhà mạng làm dịch vụ chặn danh bạ.
Một thành viên chuyên “xù” nợ cho biết: mức cho vay của các app với người lần đầu vay chỉ khoảng 500 ngàn đến 2 triệu đồng (thời hạn trả góp ngắn). Để chiếm đoạt được một số tiền lớn, nhiều người đã dùng cách vay ở các mức thấp và trả đúng hạn nhằm nâng hạn mức vay của bản thân. Sau 3-4 lần (kéo dài khoảng 2 tháng), số tiền được vay tối đa lên đến 20 triệu đồng, lúc này người vay sẽ dùng chiêu trò chọn vay mức cao nhất rồi “xù”. Đồng thời, các sim “rác” được dùng để vay tiền cũng bị hủy nhanh chóng để cắt đứt liên lạc với app cho vay.
Mảnh đất màu mỡ của nhóm trung gian
Cũng từ đó, các dịch vụ hỗ trợ trốn nợ cũng mọc lên như nấm sau mưa, được quảng bá rầm rộ trên các hội nhóm kín như làm CMND giả, “cày” danh bạ mới, nhận “cày” ứng dụng vay tiền online; bán tài khoản Facebook ảo; bán danh bạ giả; nhận gọi điện trấn an người thân... Với CMND giả và danh bạ mới, người vay dễ dàng vay tiền mà không sợ bị ảnh hưởng đến gia đình, người thân. Thậm chí có thành viên còn rao bán sẵn bộ hồ sơ “đẹp” để vay tiền qua app với mức chi phí nhỏ.
Một thành viên H.N rao trên nhóm: “Còn 10 CMND nam đẹp, sạch, chưa vay app bao giờ. Số lượng còn ít, lấy giá siêu rẻ, giao dịch trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh. Ai cần inbox nhé”, ngay lập tức trong comment, nhiều thành viên vào quảng cáo dịch vụ làm giả CMND, số đẹp, giấy thật có thể vay app dễ dàng và chỉ lấy giá hữu nghị 20% số tiền vay app.
Khi thành viên H.H hỏi trên hội: “Cho em hỏi có bác nào bùng T.M thành công chưa ạ. Em bùng hơn 1 năm rồi, giờ nó mò ra được sổ hộ khẩu và số điện thoại mới của em ạ”, thì một nick có tên L.L vào comment khoe chiến tích: “Tớ bùng từ 2019 thấy bình yên vãi. Cũng chả nhớ bao nhiêu nhưng thấy bình thường lắm”. Còn nick có tên M.Q cũng tự hào khoe “mình nợ hơn 12 củ và bùng được 40 ngày rồi”. Và ngay lập tức nhiều nick vào hỏi kinh nghiệm bùng vì cũng vay tiền qua app này mà không đủ khả năng trả nợ (?) Một nick có tên N.N.V bình luận: “Con này nguy hiểm nếu dính bảo hiểm xã hội. Inbox mình chỉ cho”.
Còn một nick khác cũng tự hào khoe thành tích bùng 5-6 app. Dù người thân bạn bè bị khủng bố thì cũng kệ. “Gọi chán thì thôi, người bị gọi họ bảo không biết, không quen, đi chỗ khác mà đòi nợ, thậm chí bị chửi cho thì cũng phải chịu”, thành viên này chia sẻ. Còn một thành viên khác thì khuyên rằng “hãy mặc kệ”; nếu không thể bỏ sim thì hãy chặn các số điện thoại lạ gọi tới, “sẽ không ai tìm đến tận nhà để đòi con số nợ chỉ trên dưới 10 triệu đồng nên cứ nghiễm nhiên “xù” nợ”.
Có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo Đại úy Trịnh Công Anh, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội, hiện nay hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp. Việc vay tiền qua app có ưu điểm là rất thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu vay tiền với số lượng nhỏ trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên đã xuất hiện nhiều app cho vay tiền với lãi suất cao và xuất hiện các hội nhóm trên mạng xã hội dạy nhau cách chiếm đoạt tiền vay. Cả hai hành vi cho vay nặng lãi và quỵt tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bởi trên thực tế, người cho vay tính lãi quá cao khiến người vay nợ không trả được nên tìm cách “bùng”. Còn người vay nợ vì thấy dễ dàng “bùng”, dễ dàng vay thì tìm cách vay nhiều để chiếm đoạt số tài sản đó. Từ đó mới dẫn đến việc những người khác bị vạ lây khi liên tục bị khủng bố, bôi nhọ, bắt phải trả nợ thay cho người vay.
Chị Bùi Khánh Ly (Cầu Giấy) bức xúc cho biết: “Tôi biết ông anh họ tôi chuyên đi vay qua app kiểu này vì nợ nần cá độ nhiều. Rất nhiều lần, anh em họ hàng bị gọi điện khủng bố. Chắc chắn là ông anh tôi “bùng” nên giờ nó nã tiền người thân. Chứ không dưng nó nã mình làm gì. Mỗi lần bị gọi điện khủng bố hay bị spam tin nhắn là tôi lại chụp màn hình gửi cho ông anh tôi, nhưng chắc xấu hổ không dám trả lời mình”.
Còn anh Trần Văn Hảo (Đống Đa) cũng bức xúc khi người anh vợ quê tận Nam Định, chẳng hiểu cờ bạc, điện tử trên mạng nhiều thế nào, mà đợt vừa rồi bị các đối tượng đến tận nhà đòi nợ. Chưa kể anh Hảo ở tận Hà Nội cũng thường xuyên bị gọi điện dọa dẫm, thậm chí bị ghép cả ảnh của anh vào cùng ảnh của ông anh vợ rêu rao trên mạng xã hội. Bức xúc mà không làm gì được vì liên quan đến anh vợ mình. Trước đó ông anh vợ cũng vay nợ không biết bao nhiêu người trong gia đình đến giờ cũng không trả được: “Túng quá làm liều, ông anh tôi lại đi vay app không trả nên người nhà mới chịu trận thay thế này”, anh Hảo lắc đầu ngán ngẩm.
Theo luật sư Giáp Quang Khải, đoàn luật sư Bắc Giang thì hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền online qua app, web rồi quỵt nợ, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.Những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo, hoặc cung cấp giấy tờ cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Những cá nhân có những hành vi sử dụng giấy tờ giả, lợi dụng app vay tiền để vay tiền với mục đích sử dụng chi tiêu cá nhân, đến thời hạn trả nợ nhưng không trả, được thể hiện qua các hành vi như bùng nợ, tắt máy, bỏ trốn, tìm mọi cách để trốn tránh không trả nợ theo đúng quy định, điều kiện của app… nếu đủ căn cứ chứng minh hành vi gian dối ngay từ đầu nhằm mục đích để chiếm đoạt tiền từ các tổ chức, cá nhân thông qua sử dụng dịch vụ app cho vay thì có thể có dấu hiệu của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Mai Ngọc (An Ninh Thế Giới)