Chúng ta đã lắng nghe tâm tư của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - HAGL) và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch THACO) về nền nông nghiệp nước nhà, lý giải tại sao bầu Đức dốc sức cho nông nghiệp (sau nhiều lần xoay trụ từ bất động sản, cao su, cọ dừa, bò, thuỷ điện…), và sau này THACO dốc sức hỗ trợ vừa khi HAGL rơi vào khủng hoảng nợ nần.
Tạm không đi sâu vào quá trình tái cơ cấu, chúng ta tiếp tục câu chuyện kinh doanh nông sản của các bên.
Nhu cầu lớn, thị trường ngày càng được mở rộng, hơn 80.000 ha đất có thể sử dụng, bài toán cửa khẩu Tân Thanh dần được hoá giải và... HAGL – THACO đang lên kế hoạch làm thương hiệu trái cây như thế nào, hay có một hướng đi hoàn toàn khác biệt?
Tại sao nhiều đơn vị khác không "cứu" được mà phải là THACO?, Tại sao tỷ phú Trần Bá Dương sẵn sàng "móc hầu bao" thêm sau 1 tỷ USD như đã thảo thuận ban đầu?, chúng ta cùng tiếp tục buổi trò chuyện.
Với lợi thế về chi phí, thời gian vận chuyển so với đối thủ Nam Mỹ, lãnh đạo hai bên xác định lúc này chưa phải thời điểm chú trọng làm thương hiệu, ngược lại chỉ lo đủ lượng xuất đi, còn đối tác mua xong "làm gì mặc kệ".
Dài hơi, THACO – HAGL lên kế hoạch phải chuẩn hoá toàn bộ, tổ chức trồng trọt ổn định. Đây là một tư duy hoàn toàn mới mà theo ông Dương, "khi làm quy mô lớn không nên thực hiện từ gốc đến ngọn, mà chúng ta có thể chặt một khúc rồi làm cho trọn vẹn.
Tư duy từ A đến Z là của Việt Nam, nhưng thế giới thì khác – họ tư duy cùng tham gia chuỗi giá trị và tận dụng thế mạnh của nhau".
Thực tế, thị trường có các doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung gia công cho Nhật Bản, sau đó hướng tới tạo thương hiệu riêng. Song song, vẫn tồn tại đó những đơn vị Đài Loan gia công cho Nhật, nhưng hướng tới việc gia công sản lượng lớn, quy mô thế giới.
"Giữa công ty chỉ sản xuất 50.000 đôi giày và có thương hiệu bán đi, và một bên chỉ làm giày từ từ nâng lên sản xuất quy mô lớn, thì cái nào lợi hơn?", ông Dương đặt vấn đề.
Theo ông, đơn cử trái sầu riêng thị trường nào cần mình mới làm, rồi tập trung sản xuất số lượng lớn thì bền vững hơn. Thị trường hiện nay hợp tác cạnh tranh và cạnh tranh hợp tác, lãnh đạo THACO tiếp tục, anh làm tốt và rẻ thì không cớ gì người ta không mua của anh.
Như chuối, chúng ta đã nói Philippines hiện trồng chuối nhiều nhất, tuy nhiên cả nước Philippines hiện chỉ canh tác được ở khu vực phía Nam với sản lượng tối đa 17.000 ha chuối/công ty, trừ đi thiệt hại khoảng 5.000 ha sau cơn dịch Panama (một bệnh về chuối) thì đâu đó công suất chỉ còn 12.000 ha cho một doanh nghiệp.
So với THACO-HAGL, bầu Đức đang trồng 11.000 ha, cộng với diện tích 4.000 - 5.000 ha của THADI thì đã hơn doanh nghiệp lớn tại Philippines.
Tóm lại, "định hướng khách hàng của anh là ai - là Tập đoàn lớn. Vậy, vấn đề cần quan tâm là nó nhập của mình, còn phân phối đi đâu cứ mặc kệ.
Chúng ta có hơn 80.000 ha, mắc gì không chuyên tâm trồng cho hết để họ đến mua, thay vì dừng lại canh tác 20.000 ha rồi đòi đi từ gốc đến ngọn", ông Dương chốt vấn đề.
Về cuối câu chuyện, THACO – HAGL dần mở ra giấc mơ về một "hệ sinh thái" nông nghiệp - khái niệm khá mới lạ - và phải chăng, đó chính là vấn đề mà ông Dương nhìn thấy, theo như lời bầu Đức?
Trước khi đi sâu, đại diện THACO bỏ ngỏ: "Công nghiệp mình so với mấy nước khác ra sao?". Vậy,nói đến nền nông nghiệp quy chuẩn theo hướng công nghiệp, cầnđi theo 2 hướng:
(1) Diện tích nhỏ, công nghệ cao;
(2) Diện tích lớn, quản trị chất lượng an toàn, đồng đều trên từng sản phẩm.
"Chúng ta hiện đang hơi lạm dụng 3 từ công nghệ cao, thực ra nguyên tắc công nghệ theo tôi phải phù hợp, tức đáp ứng nhu cầu thị trường; chứ không phải nhất thiết là công nghệ cao", ông Dương nhấn mạnh.
Theo vị này, hiện nay công nghệ và quản trị phải song hành với nhau; ngày xưa khi nói về công nghệ thường thiên về kỹ thuật, còn bây giờ muốn sản xuất hàng loạt vẫn đảm bảo sự đồng bộ bắt buột phải gắn liền công nghệ với quản trị.
Chưa kể, thời buổi bây giờ nói về công nghệ là nói về chuỗi sản xuất mà trong đó, các khâu phối hợp nhịp nhàng với nhau – đây là kết quả của yếu tố quản trị.
Riêng công nghệ, Nhật bán xoài cao cấp cũng có lý do vì thị trường họ có nhu cầu; song, cần nhớ Nhật không có nhiều đất.
Công nghệ cao có thể hiểu là đưa vào được mùi, chất trái cây và đi kèm chất xúc tác, giữa môi trường sống được trang bị đầy đủ biện pháp tưới, phân điện… Công nghệ cao lúc này chỉ có thể phù hợp với diện tích đất nhỏ, thậm chí chỉ cần canh tác sân vườn có thể tạo thu nhập lớn.
Còn THACO – HAGL, nếu hướng đến trồng xoài giá 1 triệu/trái thì diện tích đất còn lại làm gì? Doanh nghiệp có lợi thế về đất, do đó nên hướng đến sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn trong điều kiện tích hợp công nghệ cao.
Trong đó, sản xuất tích hợp lớn nhất, dễ làm nhất là nông nghiệp, ông Dương mô tả, dựa trên nền tảng hữu cơ có nước, có cá, có vi sinh… nước quay lại nuôi cây; nuôi bò có thức ăn sẵn là cỏ hoặc trái cây, chất thải quay lại làm phân nuôi cây.
Và với nền nông nghiệp có tích hợp, lúa không chỉ dùng để lấy gạo, lấy trấu (đốt lửa)… mà chúng ta phải nghĩ rộng ra trấu sẽ được nghĩ làm gì từ đó điều chỉnh sản xuất.
Hoặc, trong xu thế ít người ăn cơm từ gạo, thay vào đó lựa chọn nhiều hơn các sản phẩm khác như bánh… điều chúng ta cần làm là xác định bánh gì, cho ai, lượng đạm như thế nào… để sản xuất phù hợp.
Cuối cùng, hệ sinh thái nông nghiệp ra đời – nơi mà có suối, có động vật, có rừng, có cây nhưng không cần ai bỏ phân, không cần ai tưới; nói chung không ai làm gì cả nhưng cây cối vẫn sống, và dĩ nhiên tự thân phát triển cả ngàn năm.
Với những luận điểm trên, cùng giấc mơ lớn "hệ sinh thái" nông nghiệp, câu chuyện THACO – HAGL thực tế vẫn chỉ mới bắt đầu, phía trước là một hành trình dài và nhiều thử thách.
Riêng "tay ngang" tỷ phú Dương, xuất thân làm dân cơ khí và nay nói chuyện nông nghiệp, ông Dương không quên nhấn mạnh: Tất cả các ngành đều có nguyên lý chung và có chuỗi giá trị của nó. Nếu nguyên lý sản xuất xe phải có tổ kỹ thuật đi theo, thì nông nghiệp cũng vậy.
"Muốn làm sản xuất lớn trong nông nghiệp phải có năng lực quản trị. Giống với ô tô, đi từ sản xuất, phân phối, bảo hành… thì nông nghiệp tương tự từ thu hoạch, xuất đi, ủ chín, truy xuất nếu hàng trả về…", ông Dương nói, bản thân ông từng làm ở quy mô lớn nên nhìn vào khối lượng sẽ không bị ngán.
Hơn hết, mang trong mình lợi thế về cơ khí, đại diện THACO khẳng định nếu biết ứng dụng cơ khí và cơ giới vào sản xuất nông nghiệp thì đây là thế mạnh người khác không bao giờ có.
Điều này lý giải cho câu hỏi Tại sao nhiều đơn vị khác không "cứu" được mà phải là THACO?. Trước đó, có nhiều tên tuổi đưa tay hỗ trợ tuy nhiên bất thành, đơn cử Nutifood từng rót 500-1000 tỷ và được ví von bỏ muối bỏ vô nồi canh lớn, hay Chủ tịch Lộc Trời cũng từng hỗ trợ phân bón…
Trong nền kinh tế chia sẻ, người kinh doanh dịch vụ taxi như Grab, Uber lại ko có chiếc xe nào… chỉ có nền tảng công nghệ tích hợp hai bên cung - cầu; liên tưởng sang vấn đề ngành cơ khí hiện cũng chỉ dừng lại sản xuất máy cày, muốn phát triển thành sản phẩm chuyên dụng phải có "đất diễn".
"Quy mô lớn thì phải có cơ giới, nếu bầu Đức có đất thì THACO có cơ giới. Cần nhấn mạnh, cơ giới hoá nông nghiệp mới nuôi được ngành cơ khí, vì làm máy cày máy kéo không ăn thua.
Cơ giới hoá lúc này hướng đến nghiên cứu phát triển hệ thống tưới tiêu, thiết kế mạch vòng… cái này cần tư duy kỹ thuật mới làm được chứ người nông dân không nghĩ được.
Nông nghiệp cơ giới giờ phải chuyển thành giải pháp nông nghiệp!
Hiểu đơn giản, khác với việc xây nhà ngày trước chỉ cần dùng bao xi măng 50kg, bây giờ xây cao ốc, resort thì phải chuyển sang dùng bồn chuyên dụng", Chủ tịch THACO khẳng định, và hiện hãng đang đẩy mạnh nghiên cứu thực hiện.
Một hành trình bày bản theo đúng tố chất tính toán chuẩn xác, chắc chắn của ông Dương. Song, kèm theo đó là thách thức, bởi "đúng là nhìn thấy cơ hội nhưng cơ hội kiếm ngay thì tôi không thích, cơ hội phải đi cùng thách thức tôi mới làm".
Theo Tri Túc - Hương Xuân (Trí Thức Trẻ)