Rối rắm "sữa hỗn hợp", uống "nhầm" sữa bột pha ngỡ sữa tươi

13/04/2016 10:33:32

Trong quy chuẩn 1:2015 QCVN 5-1:2010/BYT có 2 khái niệm khá nhập nhèm là sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng. Điều đó đã dẫn tới việc các doanh nghiệp quảng cáo, ghi nhãn nhập nhèm trên sản phẩm, còn đa số người tiêu dùng uống “nhầm” phải sữa bột pha lại mà cứ ngỡ là sữa tươi.

Trong quy chuẩn 1:2015 QCVN 5-1:2010/BYT có 2 khái niệm khá nhập nhèm là sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng. Điều đó đã dẫn tới việc các doanh nghiệp quảng cáo, ghi nhãn nhập nhèm trên sản phẩm, còn đa số người tiêu dùng uống “nhầm” phải sữa bột pha lại mà cứ ngỡ là sữa tươi.

Thay vì sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN) theo Tiêu chuẩn Codex và Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), trong dự thảo công bố lấy ý kiến về sửa đổi quy chuẩn 1:2015 QCVN 5-1:2010/BYT, Bộ Y tế vẫn chia khái niệm sữa ra thành 5 khái niệm khác nhau một cách rối rắm, đặc biệt là khái niệm về “sữa hỗn hợp”.

Trong thời gian qua, vấn đề được dư luận và nhiều người tiêu dùng quan tâm là sự nhập nhèm trong khái niệm về sữa theo định nghĩa của Bộ Y tế được quy định tại Điều 3 của quy chuẩn 1:2015 QCVN 5-1:2010/BYT. Theo đó, thay vì nêu rõ khái niệm là sữa tươi và sữa hoàn nguyên hoặc pha lại, thì trong quy chuẩn này lại có 2 khái niệm khá nhập nhèm là sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng. Chính điều đó đã dẫn tới việc các doanh nghiệp quảng cáo, ghi nhãn nhập nhèm trên sản phẩm, còn đa số người tiêu dùng uống “nhầm” phải sữa bột pha lại mà cứ ngỡ là sữa tươi.

Ông Phạm Văn Hùng (52 tuổi), ngụ tổ 10, ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM chăm sóc cho đàn bò sữa của gia đình. ảnh: Minh Trung

Trước sức ép của dư luận (NTNN đã có loạt bài phản ánh) và người tiêu dùng, mới đây, Bộ Y tế đã công bố dự thảo sửa đổi quy chuẩn này để chuẩn bị ban hành. Theo dự thảo này, khái niệm sữa sẽ được chia thành 5 loại là: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Trong đó, điều đáng chú ý là, có 2 khái niệm mới được quy định theo đánh giá là còn tệ hơn cả quy chuẩn cũ là sữa tươi (Điều 3.2) và sữa hỗn hợp (Điều 3.5).

Theo khái niệm này, sữa tươi là sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu (có thể được tách một phần chất béo), không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa, có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu khác, ví dụ như nước quả, cacao, cà phê, vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, đã qua thanh trùng hoặc tiệt trùng”. Đây là một khái niệm khá chung chung, bởi trong dự thảo Bộ Y tế không nói rõ giới hạn của từ “chủ yếu” ở đây là bao nhiêu % định lượng, giới hạn các chất bổ sung là bao nhiêu %, từ đó có thể dẫn tới việc doanh nghiệp pha một nửa sữa tươi với các chất bổ sung nhưng vẫn nghiễm nhiên được coi là “sữa tươi”.

Còn tại Điều 3.5, định nghĩa về sữa hỗn hợp có nêu: “Sản phẩm được chế biến chủ yếu từ hỗn hợp của hai hay nhiều sản phẩm sữa, có thể bổ sung các thành phần sữa và các thành phần khác như đường, nước quả, cacao, cà phê, vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm nhưng thành phần chính phải là sữa, đã qua tiệt trùng”. Đây là một khái niệm khá nhập nhằng. Sự nhập nhằng ở chỗ, hiện tại Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và Codex có khái niệm “Sữa hỗn hợp”, nhưng dành cho các sản phẩm sữa nói chung, còn riêng sữa dạng lỏng không có khái niệm này. Nếu định nghĩa “Sữa hỗn hợp” như dự thảo QCVN dành cho sữa dạng lỏng thì vẫn không phân biệt được nguyên liệu sữa để sản xuất sữa dạng lỏng là sữa tươi hay sữa bột.

Phải xem xét lại khái niệm mới

Trong một báo cáo của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8.2015, có đề nghị Bộ Y tế cần điều chỉnh lại khái niệm sữa (ngoài sữa tươi), tách sữa tiệt trùng thành sữa hoàn nguyên và sữa pha lại theo Tiêu chuẩn Codex 206-1999. Tại một cuộc họp mới đây về khái niệm sữa do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát chủ trì, cùng đại diện của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các ý kiến cũng đều nhất trí phải minh bạch khái niệm sữa theo hướng sữa tươi nói là sữa tươi, còn sữa bột pha lại phải nói là sữa bột, tránh các khái niệm “bẫy” người tiêu dùng.

Điều đáng chú ý là, trong Bộ Tiêu chuẩn quốc gia 11216:2015 do Bộ KHCN ban hành về sửa đổi khái niệm sữa dạng lỏng, cũng đã rút gọn còn 3 khái niệm là: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi và sữa hoàn nguyên.

Quan trọng hơn, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện giá sữa trên thế giới đang xuống, các doanh nghiệp sử dụng sữa nguyên liệu sẽ đi nhập khẩu, từ đó đẩy giá sữa trong nước giảm xuống. Nếu có quy chuẩn cũng là biện pháp để bảo hộ, bảo vệ nông dân sản xuất trong nước. Do đó, ông Phát đã yêu cầu Cục Chăn nuôi sớm hoàn thiện quy chuẩn sữa tươi nguyên liệu.

Tuy nhiên, dường như các ý kiến này vẫn chưa được Bộ Y tế lắng nghe và điều chỉnh. Tại buổi làm việc mới đây với NTNN, đại diện của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, từ khi Bộ Y tế ban hành dự thảo, đại diện ngành nông nghiệp chỉ được mời tham dự đúng 1 lần đầu tiên, còn sau đó Cục Chăn nuôi cũng không được hỏi ý kiến hay mời họp.

Đánh giá về việc sửa đổi khái niệm sữa lần này, TS Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: “Trong dự thảo lần này, đã có điểm tốt là phần về nội dung sữa tươi, sữa hoàn nguyên nguyên chất khá rõ ràng. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này còn điểm chưa rõ ràng là ở nội dung về sữa hỗn hợp. Trong dự thảo mới, cả 4 khái niệm sữa này bị lẫn lộn trong loại hình “sữa hỗn hợp”. Theo đó, cả sữa tươi và sữa bột, hễ có pha trộn thành phần khác thì đều được đưa vào dạng này. Như vậy, không đảm bảo minh bạch cho người tiêu dùng.

Theo TS Sơn, nhà chế biến có thể lợi dụng điểm này để đánh đồng sữa tươi với sữa bột khi cho thêm các thành phần khác vì sản phẩm đều mang tên “sữa hỗn hợp”. “Tôi đề nghị cần xem xét lại và tham khảo thêm Tiêu chuẩn Codex sữa và sản phẩm của sữa do FAO và WHO đưa ra và bản TCVN do Bộ KHCN ban hành”- TS Sơn nói.

Cũng theo TS Đặng Kim Sơn, cần tách ra rõ ràng sữa tươi và sữa pha lại, cả trong trường hợp pha trộn lẫn không pha trộn các chất bổ sung khác. Việc phân biệt rõ ràng sẽ giúp người mua nhận biết được sữa tươi và sữa bột, có thể đánh giá và chọn mua phù hợp nhu cầu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Bằng cách đó, họ sẽ trả giá cao hơn cho người sản xuất sữa tươi ngay cả khi có pha thêm chất khác hay để nguyên chất. Giá trị gia tăng đó sẽ kích thích phát triển nghề nuôi bò sữa, là cách tốt nhất để khuyến khích người sản xuất sữa tươi, bảo vệ nền sản xuất trong nước trong giai đoạn hội nhập, cũng như khuyến khích người chế biến ưu tiên sử dụng nguyên liệu sữa tươi cho chế biến sâu.

Nông dân sẽ chịu thiệt bởi “sữa hỗn hợp”

Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam rất phân tán, có tới 70-75% bò sữa được nuôi ở quy mô nông hộ (hiện nay cả nước có hơn 19.000 hộ chăn nuôi bò sữa, trong đó riêng khu vực phía Nam có 12.626 hộ), quy mô bình quân từ 5-7 con/hộ. Số lượng bò sữa cả nước chốt tới hết năm 2014 là 227.625 con bò, sản lượng sữa tươi là 549.533 tấn. Số liệu này được đánh giá là chưa đạt được mục tiêu đặt ra theo kế hoạch, mức tăng trưởng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu chế biến sữa trong nước. Theo đánh giá, ngành sữa Việt Nam tới đây sẽ chịu rất nhiều tác động bởi quá trình hội nhập, nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Do đó, với việc sửa đổi, trong đó có quy định khái niệm “sữa hỗn hợp”, vẫn chưa làm rõ nguyên liệu chế biến, làm giảm sức cạnh tranh của sữa tươi. Đồng thời người tiêu dùng vẫn chưa rõ thông tin về sản phẩm qua nhãn mác là mình đang sử dụng sữa tươi hay sữa bột (không đảm bảo quyền được thông tin của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng).

Theo đó, nhiều ý kiến chỉ ra rằng, lẽ ra quy chuẩn Việt Nam phải có tác động tích cực để phát triển nguồn nguyên liệu sữa tươi, bảo vệ quyền được thông tin của người tiêu dùng. Ngược lại, tên gọi vẫn gây nhập nhèm và câu chuyện nông dân đổ sữa ra đường, phá sản, phá bỏ đàn bò sữa có thể lặp lại nếu tên gọi “Sữa hỗn hợp” được ban hành.

Hải Hà

Theo Ngọc Lê (Dân Việt)