Rời eurozone, nội tệ Hy Lạp sẽ mất giá đến 40%

30/06/2015 14:58:44

Hôm nay 30.6 là ngày quyết định đối với cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp. Với kịch bản xấu nhất, đồng drachma mà Athens 'hồi sinh' sẽ khởi đầu ở mức giá thấp nhất lịch sử. Trong khi đó, euro sẽ không còn là 'dự án không thể đảo ngược'.

Hôm nay 30.6 là ngày quyết định đối với cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp. Với kịch bản xấu nhất, đồng drachma mà Athens 'hồi sinh' sẽ khởi đầu ở mức giá thấp nhất lịch sử. Trong khi đó, euro sẽ không còn là 'dự án không thể đảo ngược'.

Đồng xu EUR và giấy bạc drachma - Ảnh: Reuters

 
Hôm nay là ngày gói cứu trợ dành cho Hy Lạp hết hạn, cũng là thời điểm thành viên eurozone trả nợ cho IMF. Nếu không thể trả khoản nợ đáo hạn vào hôm nay, Hy Lạp sẽ rời eurozone, bắt đầu “hồi sinh” đồng nội tệ mà nước này dùng trước khi bước vào khối: đồng drachma.
Tuy nhiên theo Bloomberg, các nhà phân tích cho rằng khi quay về với đồng drachma, sức mua của người dân Hy Lạp sẽ giảm đến 40%.
“Ban đầu sẽ có một đợt bán tháo lớn. Đồng nội tệ sẽ mất giá trong khoảng từ 30-40% so với đồng đô la Mỹ. Chúng ta sẽ thấy giá trị thấp nhất từ trước đến nay của đồng drachma”, Neil Jones, Giám đốc kinh doanh quỹ đầu tư tại ngân hàng Mizuho Bank ở London (Anh) nói.
Chris Turner, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ của ngân hàng ING tại London (Anh) cho rằng drachma sẽ mất giá đến 50% so với euro.
“Một trong những lý do khiến chúng tôi tin rằng người Hy Lạp cuối cùng cũng muốn ở lại với đồng euro là những chỉ số nặng nề mà kinh tế nước này phải trải qua nếu họ rời eurozone”, Valentin Marinov, Trưởng nhóm nghiên cứu tiền tệ tại ngân hàng đầu tư Credit Agricole ở London (Anh) nói.
Song một đồng tiền yếu hơn cũng có thể giúp nền kinh tế Athens tăng trưởng bằng cách thúc đẩy xuất khẩu và khuyến khích đầu tư từ nước ngoài.
Mối lo ngại Hy Lạp rời eurozone càng tăng cao sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras kêu gọi cuộc trưng cầu ý dân trong nước về các điều khoản “thắt lưng buộc bụng”, đổi lấy hỗ trợ tài chính quốc tế vào ngày 5.7 tới đây. Ông Tsipras đã khẳng định rõ rằng Hy Lạp không thể trả nợ 1,5 tỉ euro cho IMF đúng thời hạn.
Hiện tại, các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng nợ đang nỗ lực hết mực nhằm cứu Athens. Lãnh đạo Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi Hy Lạp và các chủ nợ quay lại bàn đàm phán trước khi kết thúc hạn chót.
Theo thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC), Hy Lạp đã chấp nhận EUR từ năm 2001 và phát hành tiền giấy, tiền xu euro từ ngày 1.1.2002. Hiện chưa có quốc gia nào thuộc eurozone phải rời khối và cũng chưa có cơ chế chính thức nào để điều này xảy ra.
“Hy Lạp quay về với nội tệ riêng sẽ là việc chưa từng có tiền lệ vì EUR từng được cho là dự án không thể đảo ngược”, Jones nói. Trở về với drachma sẽ “rất phức tạp, rất khốc liệt, mất nhiều thời gian và là con đường hết sức gập ghềnh” dành cho Hy Lạp.
 
Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)

Nổi bật