Theo hãng tin Reuters , VinFast đang có kế hoạch mở rộng thêm bảy thị trường tại Châu Á. Trong đó bao gồm có cả Indonesia, nơi hãng xe điện này đặt mục tiêu giao hàng từ năm 2024 và có thể xây nhà máy tại đây vào năm 2026.
Trong một hồ sơ mới đây gửi Sở giao dịch Chứng khoán Mỹ, VinFast đặt mục tiêu đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong dài hạn. Trong đó, 200 triệu USD sẽ được dùng để xây dựng nhà máy tại đất nước này với sản lượng khoảng 30.000 - 50.000 xe mỗi năm.
Indonesia, quốc gia có 270 triệu dân và là một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang nỗ lực thu hút các nhà sản xuất xe điện toàn cầu. Đất nước này có nguồn cung niken dồi dào, thành phần chính để làm nên pin xe điện.
Nhà máy ở Indonesia sẽ là nhà máy thứ ba của hãng này bên cạnh nhà máy chính ở thành phố Hải Phòng, Việt Nam và một nhà máy mới ở Bắc Carolina, Mỹ - dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.
Cũng theo Reuters , hãng xe điện mới niêm yết trên sàn Nasdaq vào tháng trước cũng cho biết họ có kế hoạch mở rộng cơ sở tại Ấn Độ, Malaysia, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ - Latin, Châu Âu... Việc này nhằm mục đích thành lập các đơn vị phân phối xe, mở thêm các phòng trưng bày.
Mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN tại Jakarta, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy chia sẻ rằng hệ sinh thái xe điện ngày càng phát triển ở Đông Nam Á sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của VinFast. Trong đó, bà đề cập tới Indonesia, đất nước giàu nickel (kim loại quan trọng trong sản xuất pin xe điện) và sở hữu ngành sản xuất pin lớn ở Đông Nam Á, như một lý do để lạc quan về ngành xe điện ở ASEAN.
Bà cũng nói tới những liên doanh sản xuất xe điện ở Malaysia và Thái Lan. Từ góc nhìn chuỗi cung ứng, bà Thuỷ cho rằng VinFast có thể nhập tất cả linh kiện từ khu vực Đông Nam Á. “Chắc chắn chúng tôi có thể biến ngành xe điện của ASEAN trở nên lớn mạnh và xuất khẩu xe điện đến phần còn lại của thế giới”, CEO VinFast nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/9, cổ phiếu VFS của VinFast tăng 3,86% lên 17,21 USD/cp, khối lượng khớp lệnh là 7,6 triệu đơn vị. Như vậy, cổ phiếu VFS đã ngắt mạch 11 phiên giảm liên tiếp. Vốn hóa của doanh nghiệp lúc này ở mức 39,8 tỷ USD, đứng thứ 14 ngành ô tô toàn cầu.