Rét đậm, rét hại kéo dài, rau củ, thực phẩm đua nhau tăng giá

22/02/2022 14:54:53

Rét đậm, rét hại kéo dài, rau màu, vật nuôi sinh trưởng kém, chi phí sản xuất tăng khiến các loại thực phẩm, rau xanh tăng giá vùn vụt.

Rau gia vị tăng giá 4-5 lần

Cầm 3 cọng hành trên tay và bị “hét” giá 5.000 đồng, bà Nguyễn Lan Chi (31 Phạm Thận Duật, Cầu Giấy, Hà Nội) lưỡng lự muốn trả lại. Cô hàng rau "lườm khét lẹt": “Chị bới nãy giờ nát hết đám rau thơm của tôi giờ trả lại là không được. Mưa, rét kéo dài, rau thơm lụi hết không lên nổi. Các loại hành, mùi, mùi tàu… nát hết khó khăn lắm tôi mới lấy được từng này hàng, có mà mua đã may lắm rồi còn chê bai nỗi gì".

Tại cửa hàng thực phẩm 26 Doãn Kế Thiện (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Nhung cũng cho biết: Giá các loại rau thơm tại chợ đầu mối đã tăng vọt lên 4-5 lần. Các loại rau, củ cũng tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.

Rét đậm, rét hại kéo dài, rau củ, thực phẩm đua nhau tăng giá
Rét đậm, rét hại kéo dài khiến rau xanh khó phát triển, tăng giá gấp nhiều lần. Ảnh: Lê Tiến

"Sáng nay, tôi lấy rau thơm, húng quế mà hoảng hồn với mức tăng giá 4-5 lần. Húng quế từ 20.000 đồng tăng lên 100.000 đồng/kg, loại ngon (lá nhỏ, thơm-PV) còn có giá tới 120.000 đồng/kg mà không có để mua. Hành, thì là, rau mùi (ngò rí): 200.000 đồng/kg. Tuần trước cà chua, cà rốt chỉ 13.000 đồng/kg nay tăng lên 25.000 đồng/kg”.

Khảo sát của PV tại một số chợ dân sinh cho thấy, các loại rau xanh tăng giá rất mạnh và không dồi dào do rét đậm, rét hại khiến rau tăng trưởng kém. Rau cần: 20.000 đồng/kg, cải xanh, cải cúc, đậu quả: 30.000 đồng/kg; cải thảo: 25.000 đồng/kg; cà rốt, cà chua, khoai tây cũng tăng giá gấp đôi, lên 25.000 đồng/kg; rau ngót, rau muống: 15.000 đồng/mớ… Trong khi giá các loại rau củ tăng mạnh, thì riêng các loại nấm tươi như: Kim châm, nấm rơm, mấm mỡ, nấm đông cô…giá tăng khoảng 20-30% tùy loại.

Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại cũng khiến giá rau bán ra tại các chợ tăng chóng mặt.

“Ăn rau đắt hơn ăn cá, thịt. Một bó rau cải bé tí ti đủ 2-3 người ăn giá tới 10.000 đồng/kg, đắt gấp đôi ngày thường. Mớ rau cần cũng 20.000 đồng/kg. Riêng tiền mua rau, mỗi ngày gia đình tôi phải chi tới 50.000 đồng” – chị Đặng Kiều Anh – số 15 Trịnh Hoài Đức (Vinh – Nghệ An), chia sẻ.

Rét đậm, rét hại kéo dài, rau củ, thực phẩm đua nhau tăng giá - 1
Dù đang chính vụ thu hoạch, nhưng tiểu thương tại các chợ vẫn tăng giá cà rốt gấp đôi, bán ra ở mức 25.000 đồng/kg. Ảnh: Giang Nguyễn

Thịt, cá cũng thi nhau tăng giá

Không riêng rau xanh tăng giá, mà các loại thực phẩm cũng tăng giá theo. Tại các chợ dân sinh, người tiêu dùng đang phải chi thêm từ 20-50% chi phí cho thực phẩm

Mặc dù giá lợn hơi liên tiếp giảm mạnh trong những ngày qua, nhưng ngược lại, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh vẫn neo ở mức cao. Đặc biệt, giá thịt nạc vai, gáy giòn, 3 chỉ… lên tới 150.000 đồng/kg, thịt sấn cũng ở mức 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước.

Giá lợn hơi giảm, nhưng tiểu thương mua hàng tại các chợ đầu mối vẫn ở mức cao tới 80.000 đồng/kg, lợn ngon giá tới 85.000 đồng/kg, nên nếu bán lẻ với giá thấp hơn mức 100.000-150.000 đồng/kg là bị lỗ.

Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 250.000-300.000 đồng/kg. Giá gà ta nguyên lông cũng tăng 10.000 đồng/kg, bán ra ở mức 150.000 đồng/kg; chim bồ câu: 80.000 đồng/con nhỏ, 100.000 đồng/con. Các loại thủy sản cũng tăng giá từ 5.000-15.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, tăng mạnh nhất là các loại cá trắm, diếc, chép, trê, nheo… với mức tăng khoảng 15.000 đồng/kg.

Giá lương thực ổn định

Trong khi giá rau xanh, thực phẩm tăng mạnh thì giá lương thực tương đối ổn định. Cụ thể, tại các chợ lẻ, giá gạo thơm Jasmine: 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo thường 11.000 – 12.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; gạo Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; Gạo Sóc Thái Lan: 18.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan: 20.000 đồng/kg; gạo Nhật: 20.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen: 20.000 đồng/kg…

Theo Vũ Long (Lao Động)

Nổi bật