Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018, theo đó sẽ có hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% từ năm 2018 và những mặt hàng nhạy cảm cao sẽ được bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu từ năm 2020 trở đi.
Rau quả Trung Quốc được hưởng thuế 0% vào Việt Nam sẽ là áp lực cực lớn đối với nông nghiệp Việt trong cuộc cạnh tranh về giá |
Thông tin này khiến dư luận lo lắng bởi hiện ngành nông nghiệp trong nước đang chịu nhiều tác động của điều kiện thời tiết, thiên tai. Sản lượng giảm, tăng trưởng âm, hiệu quả cạnh tranh của ngành nông nghiệp và giá trị gia tăng giảm sút nghiêm trọng. Việc mở cửa với hàng nước ngoài, xóa bỏ thuế quan đã và đang đặt lên vai ngành nông nghiệp nước nhà thách thức lớn.
Cụ thể, các mặt hàng có thuế suất thuế nhập khẩu từ Trung Quốc được xóa bỏ từ 15% hiện nay xuống còn 0% vào năm 2018 là rau củ quả; cá, tôm, mực; ca cao, bột; thịt và phụ phẩm của thịt sau giết mổ như thịt trâu, bò và gia cầm sống…
Điều đáng nói, trong những sản phẩm được hưởng mức thuế nhập 0% có rất nhiều mặt hàng của Trung Quốc vào Việt Nam hiện có mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá sản xuất mặt hàng trong nước, trong đó có rau, củ quả, thực phẩm sống (gia cầm)... Sự cạnh tranh về giá của Trung Quốc đang hiện hữu ở nhiều địa phương của Việt Nam, dễ dàng nhận ra rau củ quả và nông sản của Trung Quốc hiện diện trên đường phố, chợ vỉa hè, chợ nông thôn Việt Nam.
Các mặt hàng này được nhập khẩu nhiều hình thức: chính ngạch (qua doanh nghiệp, có hóa đơn chứng từ, có C/O); nhập khẩu diện tiểu ngạch và cả nhập lậu. Điều này đang gây áp lực lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi hộ gia đình.
"Khi được hưởng thuế 0%, chắc chắn hàng nông nghiệp và các hàng hóa của Trung Quốc sẽ có sức ép cực mạnh đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay chúng ta nhập các loại mặt hàng này từ Trung Quốc khá lớn, sự cạnh tranh đã rất rõ, giá rẻ thì thu hút nhiều người mua hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây, giá rẻ nhưng lại không đi cùng với chất lượng và ẩn chứa nhiều rủi ro về an toàn sức khỏe người tiêu dùng", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Bà Lan nói: Trên thực tế, bao lâu nay chúng ta vẫn kêu hàng Trung Quốc “bẩn”, không đảm bảo an toàn, chất lượng nhưng những cơ quan kiểm định vẫn toàn công bố chất lượng ổn rồi nên người tiêu dùng vẫn an tâm sử dụng. Thuế 0%, giá rẻ người ta lại càng nhập tràn lan.
Theo vị chuyên gia này: Vào sân chơi chung, chúng ta không thể ngăn hàng Trung Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên phải có biện pháp tự vệ bằng các hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định, quy chuẩn. Các nước đều hàng rào để ngăn hàng hóa phẩm cấp thấp, hàng bán phá giá, ô nhiễm. Đừng mở cửa một cách không kiểm soát cho hàng nước ngoài, còn hàng trong nước lại bóp chặt, kìm hãm ép cho không có đất sống được.
“Lo ngại nhất là thời gian vừa qua cho thấy là chúng ta quá chiều chuộng làm ngơ cho hàng hoá ngoại nhập không có lợi hoặc họ có vi phạm vẫn bỏ qua trong khi đó lại rất dễ bắt lỗi, bắt nạt chính hàng trong nước. Ai quản lý thực phẩm biên giới, hàng vượt biên về trong nước, ở các chợ. mặt hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất nhưng bằng đường tiểu ngạch (tư thương mua với nhau). Còn gia cầm, thực phẩm, hoa quả Trung Quốc về Việt Nam không ai đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng hiện đang rất sợ”, bà Lan nói.
Hiện, qua những con số thống kê hiện tại cũng cho thấy, Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu với Trung Quốc. 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 36 tỷ USD nhập hàng từ Trung Quốc, trong đó tỷ lệ nhập siêu là 21,3 tỷ USD (gần 60%), trong đó, nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc là 45 triệu USD, rau củ quả là 146 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu 211 triệu USD...
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)