Ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang cho biết, nông dân trên địa bàn đang rầm rộ trồng mít Thái siêu sớm thay cây trồng khác. Thậm chí, nông dân từ huyện Cai Lậy qua Cái Bè thuê đất trồng mít.
Ra vườn gặp… mít Thái
Xã cù lao Tân Phong (Cai Lậy) – một xã chuyên canh chôm chôm, sầu riêng và nhãn giờ lại có thêm mít Thái siêu sớm.
Một vườn mít Thái siêu sớm mới trồng tại xã cù lao Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang)
Thấy giá mít Thái đang lên cao chót vót, ông Lê Văn Vô (xã Tân Phong) cho đốn ngay vườn nhãn trồng hơn 100 cây mít Thái siêu sớm. “Trồng mít Thái không tốn nhiều công sức chăm sóc, phân thuốc, có trái quanh năm, lại được giá, vậy ngại gì không trồng”, ông Vô nói.
Theo ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, hiện nông dân trong xã đang chuyển sang trồng mít Thái khá nhiều. Đa phần họ trồng mít xen trong vườn cây có sẵn. Số ít chuyển hẵn sang chuyên canh trồng mít.
“Chưa thống kê được diện tích trồng mít Thái siêu sớm trong xã, nhưng tôi biết nông dân đang trồng rất nhiều”, ông Bình cho biết.
Cạnh cù lao Tân Phong là xã cù lao Ngũ Hiệp – một xã chuyên canh sầu riêng hàng chục năm nay, giờ nhiều nông dân cũng chuyển sang trồng mít Thái. Thậm chí, tại cù lao Tròn của xã này, đa phần đất nông nghiệp đã chuyển sang trồng mít Thái.
Hôm chúng tôi đến, lão nông Tư Ngon (Nguyễn Văn Ngon) đang thu hoạch mít bán cho thương lái. Mặc dù giá mít Thái siêu sớm đang từ 45.000 đồng/kg rớt còn 23.000 đồng/kg, nhưng ông Tư Ngon vẫn cười tươi như hoa: “Với giá này vẫn còn lời ngon bởi giá vốn đầu tư chỉ từ 12.000 – 15.000 đồng/kg”, ông nói.
Hiện, ông Tư Ngon đang trồng hơn 200 gốc mít Thái siêu sớm. Khu vườn này trước đây là vườn sầu riêng chuyên canh, thấy vườn sầu riêng đang lão hóa ông Ngon đốn sạch rồi trồng luôn mít Thái.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Cai Lậy Trần Thị Nguyên cho biết, hiện mới chỉ thống kê được diện tích trồng chuyên canh mít Thái siêu sớm ở xã Cẩm Sơn, Long Trung... Các xã có diện tích trồng xen canh chưa thể thống kê được.
Ngoài huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè cũng có diện tích trồng mít Thái siêu sớm lớn trong tỉnh Tiền Giang. Theo thống kê, toàn huyện Cái Bè có khoảng 1.500 ha trồng mít Thái siêu sớm, trong đó trồng phổ biến ở các xã: Đông Hòa Hiệp, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, An Hữu...
Nỗi lo “giải cứu” mít cận kề!
Thời gian qua, cây mít Thái siêu sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân. Với giá hiện nay, hiệu quả kinh tế của cây mít Thái siêu sớm không thua so với sầu riêng - loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao lâu nay. Tuy nhiên, trước thông tin nông dân đang đổ xô trồng mít Thái siêu sớm khiến những người đi trước cũng cảm thấy lo lắng cho đầu ra sắp tới.
Theo lão nông Tư Ngon, thực tế, giá mít Thái siêu sớm trồi sụt khá thất thường suốt những năm qua. Tuổi thọ cây không lâu và khi trái bị bệnh, các thương lái sẽ ép giá. Hiện nay, mít Thái đang xuất hiện nhiều loại bệnh như đen xơ múi, nứt trái, đặc biệt là bệnh xì mủ thân dẫn đến chết cây nhưng chưa tìm được nguyên nhân và cũng như biện pháp chữa trị. Hơn nữa, để trái đạt được kích cỡ loại 1 (trên 10 kg, loại thương lái ra giá cao nhất) rất khó, chỉ chiếm khoảng 50% tỷ lệ trái.
“Tui cảm thấy rất lo cho đầu ra của trái mít Thái. Cứ cái đà tăng diện tích trồng mít không ngừng này, đầu ra dư thừa là không thể tránh khỏi”, ông Tư Ngon thổ lộ.
Thương lái thu mua mít Thái siêu sớm tại vườn. Trong ảnh: Anh Tiến - một thương lái thu mua trái cây cho biết, giá mít Thái trồi sụt rất thất thường, đến thương lái cũng khó biết giá sẽ ra sao thời gian tới.
Theo ông Đức, Hội Nông tỉnh Tiền Giang đang theo dõi sát sao tình hình bà con nông dân đổ xô trồng mít Thái siêu sớm. “Hội sẽ liên hệ với Sở NNPTNT tỉnh xem có hướng nào giải quyết sớm chứ không khéo lại đi “giải cứu mít” cho bà con nông dân”, ông nói.
Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang nhận định, với giá tăng đột biến hiện nay, diện tích trồng mít trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng lên. Nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ nhanh và không có định hướng như hiện nay; chắc chắn cung vượt cầu, dẫn đến giá rẻ và hàng loạt hệ lụy khác, nên nhà vườn có dự định trồng mít trong thời gian tới cần cân nhắc kỹ.
Cân nhắc kỹ khi mở rộng trồng mít
TS. Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam) cảnh báo, nông sản của Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc rất lớn, trong đó có trái mít. Vì vậy, giá tăng - giảm hầu như do thị trường nhập khẩu này quyết định.
"Nông dân cần bình tĩnh vì thị trường này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu thị trường này ngừng nhập khẩu, mít sẽ rớt giá rất nhanh, thiệt hại sẽ rất lớn cho bà con nông dân”, TS Lập cho biết.
Cũng theo TS. Lập, việc trồng mít sẽ gây tổn hại đất do rễ mít lấy hết chất dinh dưỡng. Khi nông dân muốn chuyển sang trồng loại cây khác sẽ tốn nhiều chi phí cho việc cải tạo lại đất.
Theo Trần Đáng (Dân Việt)