Ra “tối hậu thư” thì giá sữa vẫn “ở trên trời“

02/04/2015 14:33:58

Giá sữa dành cho trẻ em cao chót vót khiến ngành chức năng phải ra tối hậu thư. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, không nên hành chính hóa giá sữa mà phải thúc đẩy sản xuất trong nước và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Giá sữa dành cho trẻ em cao chót vót khiến ngành chức năng phải ra tối hậu thư.  Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, không nên hành chính hóa giá sữa mà phải thúc đẩy sản xuất trong nước và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Muốn giá sữa giảm chúng ta cần một bài toán toàn diện, chứ không phải chỉ là chuyện chi phí quảng cáo trong giá sữa. Chi phí quảng cáo chả là vấn đề gì với các hãng sữa và giá sữa hiện nay. Những bất cập về giá hải quan, thuế, phí với sữa đang không kém gì chi phí quảng cáo nhưng chưa có ai giải quyết một cách tổng thể. Sữa bị làm giá nhưng chúng ta chỉ nói mà chưa ai quản lý. Cá nhân tôi đánh giá, các giải pháp với giá sữa hiện nay vẫn đang quá vụn vặt, khó mà kéo được giá sữa giảm xuống.

Hà Nội mỗi năm chi hàng trăm tỷ đồng để bình ổn giá sao không chi vài chục tỷ đồng cho bình ổn giá sữa mà lại đi bình ổn giá mặt hàng cá đông lạnh?! Theo tôi dù chúng ta có ra “tối hậu thư” thì giá sữa cũng sẽ vẫn ở trên trời, chỉ thị ban ra rồi cuối cùng sẽ rơi tõm xuống ao…

Không nên hành chính hóa giá sữa (ảnh minh họa, chụp tại cửa hàng sữa ở Phố Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Đàm Duy

Chuyên gia kinh tế-thương mại Phạm Tất Thắng:

Giá sữa đang cần một bài toán tổng thể từ nguyên liệu trong nước phát triển như thế nào, sữa nhập khẩu ra sao, các doanh nghiệp kinh doanh sữa cạnh tranh như thế nào… Chúng ta đừng hành chính hóa giá sữa nữa bởi đây là giải pháp kém thế nhất trong các giải pháp thị trường. Giá sữa giảm phù hợp với thị trường phải là bài toán cung-cầu. Tại sao chúng ta không có các giải pháp khuyến khích sản xuất sữa trong nước lên để đáp ứng đủ nhu cầu và chất lượng sữa cho thị trường, từ đó cân bằng giá cả. Nông dân thì đang đổ sữa đi còn giá sữa trong nước thì cao chót vót, cung không đủ cầu. Tôi cho rằng phải có một cuộc cách mạng thực sự trong ngành sữa. Các giải pháp hành chính hiện nay chỉ mang tính răn đe nhất thời, không giúp giải quyết căn bản các bất cập của giá sữa.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

Mọi can thiệp bằng giải pháp hành chính chỉ có tác động chừng mực, chủ yếu giải quyết về mặt tâm lý. Quan trọng là chúng ta phải tạo ra được sự cạnh tranh thực sự trên thị trường sữa hiện nay. Ngành chức năng không thể ra lệnh giảm giá sữa nếu thị trường không có cạnh tranh. Sai lầm của chúng ta là cho nhập khẩu sữa độc quyền, đại lý độc quyền từ đó mới có sự thao túng, dẫn dắt của một vài ông lớn trên thị trường sữa.

Việc áp trần giá sữa tạm thời là đúng nhưng cũng chỉ giúp giảm giá sữa ít và không lâu bền. Theo tôi, chúng ta nên sớm áp dụng lại hạn ngạch nhập khẩu sữa theo hướng nới lỏng để sữa được nhập tự do hơn, nhiều hơn giúp cho thị trường cạnh tranh hơn về giá. Chúng ta quản là quản chất lượng sữa cho người dân.

“Việt Nam không loại trừ các giải pháp như áp trần giá sữa hay xem xét lại hạn ngạch nhập khẩu để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sau khi đại diện Hãng sữa Mead Johnson phản ánh quyết định áp trần giá sữa mà Bộ Tài chính đưa ra đã khiến công ty này bị ảnh hưởng nặng nề.
 
>> Bộ Tài chính "tuýt còi" yêu cầu giảm giá sữa
 
Theo Mai Hương (Dân Việt)

Nổi bật