Với nhiều chủng loại bánh Trung thu khác nhau để khách hàng lựa chọn như bánh nướng nhân đậu xanh, vi cá, bào ngư; bánh dẻo nhân lạp xưởng, gà quay, trà xanh, sữa dừa, sầu riêng... Bên cạnh đó, giá bán cũng khá linh hoạt, ngoài dòng bánh có giá bình dân từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc, các DN còn sản xuất sản phẩm bánh cao cấp với mức giá từ 1 - 3 triệu đồng/hộp để đáp ứng nhu cầu biếu, tặng của khách hàng.
Mặc dù đã đa dạng chủng loại sản phẩm nhưng sức tiêu thụ mặt hàng này vẫn không tăng đáng kể. Tại các phố Đặng Văn Ngữ, Võ Thị Sáu, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Thái Tông, Cầu Giấy… các ki ốt bày bán bánh Trung thu với đủ các thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Long Đình, Bảo Ngọc mọc lên san sát… song sức tiêu thụ không cao.
Chị Thu Minh - nhân viên kinh doanh bánh Trung thu Đồng Khánh tại phố Đặng Văn Ngữ than thở: "Trung bình mỗi ngày chỉ bán được 15 – 20 hộp bánh loại phổ thông. Còn những hộp bánh cao cấp trên 1 triệu đồng/hộp làm quà biếu rất ít người mua".
Chị Hương, chủ cửa hàng bánh kẹo, tạp hóa tại phố Tôn Đức Thắng cũng cho biết: Dù chưa hết mùa, nhưng tính sơ bộ năm nay doanh thu bánh Trung thu của cửa hàng sụt giảm khoảng 30% so với mùa trước. Để kích cầu tiêu dùng, hiện đa phần các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đều giảm giá bán lẻ từ 10.000 - 15.000 đồng/hộp.
Nếu khách mua từ 10 hộp trở lên được chiết khấu 10%. Đánh giá về tình hình kinh doanh của mùa bánh Trung thu năm 2018, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú phân tích: Nguyên nhân khiến sức tiêu thụ bánh Trung thu giảm mạnh là do hương vị không còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng ngày nay, người dân đang hạn chế ăn đồ ngọt.
Ngoài ra, phương thức bán hàng online phát triển mạnh giúp người mua dễ dàng đặt hàng trên intenet, thuận tiện hơn nên các quầy bán bánh truyền thống không hút nhiều khách như trước đây.
Theo Bảo Ngọc (Thương Hiệu & Công Luận)