Khoản tiền là một phần của gói viện trợ khẩn cấp không ràng buộc, nhằm giúp Myanmar chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới gây ra.
Các nguồn tin giấu tên cho biết “IMF gần như không thể lấy lại số tiền viện trợ khẩn cấp này”.
Trước đó, IMF bày tỏ hy vọng khoản tiển 350 triệu đô la sẽ giúp Myanmar “tiến hành các biện pháp khôi phục nhằm đảm bảo ổn định kinh tế, tài chính, đồng thời hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng và các nhóm dễ bị tổn thương".
"Chúng tôi đang theo dõi sát sao mọi diễn biến. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tác động của các sự kiện đối với nền kinh tế và người dân Myanmar", một phát ngôn viên của IMF nói với Reuters ngày 2/2.
Phát ngôn viên của IMF xác nhận khoản hỗ trợ 350 triệu USD dành cho Myanmar đã được hoàn tất vào tuần trước.
Mỹ coi diễn biến vừa xảy ra tại Myanmar là một cuộc đảo chính và đây cũng là cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên mà Tổng thống Joe Biden phải đối mặt kể từ khi ông nhậm chức hồi cuối tháng 1.
Ông Biden cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các tướng lĩnh của Myanmar. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố sẽ xem xét lại các khoản viện trợ nước ngoài dành cho Myanmar.
Mỹ là nước đóng góp chính cho IMF - tổ chức đã hỗ trợ cho Myanmar 700 triệu USD để đối phó với dịch Covid-19 trong 7 tháng qua, bao gồm cả khoản hỗ trợ mới được cấp tuần trước.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, IMF đã cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho 80 quốc gia. Hai nguồn tin am hiểu về các khoản hỗ trợ bình luận rằng thời điểm giải ngân mới nhất cho Myanmar là không may và rủi ro là chính phủ có toàn quyền quyết định về cách họ chi tiêu tiền.
Kịch bản tốt nhất là chính quyền Myanmar sẽ vẫn dùng tiền đúng mục đích vì muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với IMF.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)