Đến 31/12/2015, Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) còn nợ Bảo hiểm Xã hội 12 Hợp đồng vay vốn đã quá hạn thanh toán từ năm 2011 với số tiền 769,3 tỷ đồng, số lãi phải thu là 735 tỷ đồng. Đơn vị này hiện không có khả năng trả nợ do đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
"Mất trắng" 1.500 tỷ đồng?
Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2016 cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) chiếm khoảng 24,5% lực lượng lao động. Số thu BHXH ước 174.422 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong báo cáo của các bộ, ngành không đề cập đến các khoản nợ cũ chưa thu hồi được. Theo Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ: Đến 31/12/2015, BHXHVN chưa thu hồi được hết các khoản nợ gốc và lãi của Công ty cho thuê Tài chính II (ALCII); chưa thu được lãi của Công ty cho thuê tài chính I (đã trả hết nợ gốc);
Công ty cho thuê Tài chính I, năm 2015 đã trả 1 tỷ đồng lãi vay; số lãi còn phải thu đến 31/12/2015 là hơn 26 tỷ đồng. Nguyên nhân chưa thu được lãi vay là do ALCI đang trong quá trình tái cơ cấu nên không có đủ nguồn thu để trả nợ lãi, trong năm 2016 đã làm việc với Hội sở chính để thống nhất các biện pháp thu hồi nợ lãi trên.
Đến 31/12/2015, Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) còn nợ BHXHVN 12 Hợp đồng vay vốn đã quá hạn thanh toán từ năm 2011 với số tiền 769,3 tỷ đồng; Năm 2015 Công ty không trả được lãi, tổng lãi tính đến 31/12/2015 (theo số báo cáo của Ban Đầu tư quỹ) số lãi phải thu là 735 tỷ đồng. Đơn vị này hiện không có khả năng trả nợ do đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng lưu ý, số nợ BHXH bắt buộc là 6.551 tỷ đồng (giảm 7,2% so với năm 2015), bằng 3,64% tổng số phải thu trong khi nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 323,16 tỷ đồng (tăng 11,5 tỷ đồng so với năm 2015), bằng 2,67% tổng số phải thu. Tuy nhiên, số tiền nợ BHXH bắt buộc, BHTN vẫn là vấn đề đáng quan ngại.
Theo báo cáo, về đối tượng tham gia BHXH dù tiếp tục được mở rộng, luôn đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch của ngành BHXH; quyền lợi, các chế độ đối với người tham gia được đảm bảo và mục tiêu cân đối quỹ được duy trì, nhưng tỷ lệ bao phủ vẫn còn rất thấp, đây là thách thức rất lớn và dự báo khó có thể đạt được chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết 21-NQ/TW.
Tính đến hết ngày 31/12/2016, kết dư quỹ bảo hiểm xã hội khoảng 453.487 tỷ đồng, tăng 22,44% so với cùng kỳ năm 2015. Kết dư Quỹ BHTN là 58.668 tỷ đồng, tăng 19,29% so với năm 2015. Số chi trong năm của quỹ BHTN chiếm khoảng 44,1% so với số thu và giảm so với năm 2015 (50,3%) nhưng vẫn cao hơn với bình quân cả giai đoạn 2010 - 2015 (33,7%).
Khó khởi kiện doanh nghiệp ra toà
Theo Chính phủ, một trong số những hạn chế là hiện việc khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn nhưng chưa được thực hiện gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nguyên nhân là do, việc tổ chức triển khai thực hiện đang có vướng mắc về thủ tục tố tụng.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đến nay có 11 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nộp đơn đến các cấp tòa án để khởi kiện 74 doanh nghiệp nợ BHXH, tuy nhiên tòa án vẫn chưa xem xét; năng lực tố tụng tư pháp của cán bộ công đoàn chưa đáp ứng yêu cầu; một số tòa án nhân dân chưa có sự thống nhất quan điểm trong việc giải quyết vụ án về bảo hiểm xã hội.
Hiện Toà án nhân dân tối cao chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục khởi kiện các vụ án lao động. Một sô toà án có quan điểm cho rằng, Bộ luật Lao động quy định việc giải quyết tranh chấp về BHXH thực hiện theo quy định về BHXH. Mà theo Luật BHXH thì hành vi không đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm, vi phạm pháp luật BHXH thì việc giải quyết các hành vi này thuộc thẩm quyền của thanh tra BHXH; do vậy việc giải quyết tranh chấp về BHXH không thuộc thẩm quyền của toà án.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Lao động, việc khởi kiện tranh chấp lao động tập thể do công đoàn cơ sở khởi kiện. Công đoàn cấp trên muốn khởi kiện tranh chấp lao động thập thể tại doanh nghiệp đó thì phải được sự uỷ quyền của công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, công đoàn cơ sở nơi doanh nghiệp có tranh chấp lao động tập thể không uỷ quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện nên nhiều Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong quá trình khởi kiện.
Trong khi đó, việc xử lý tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN tồn đọng kéo dài (không có khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc người sử dụng lao động bỏ trốn, mặc dù Luật bảo hiểm xã hội (tại khoản 7, Điều 10) đã quy định có cơ chế giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.
Theo Phương Dung (Dân Trí)