Ngoài ra, dự án sẽ xây cầu vượt tại nút giao Trung Chánh với 2 nhánh, mỗi nhánh rộng hơn 13 m. Đối với cầu An Hạ (huyện Củ Chi và Hóc Môn), thành phố đề xuất mở rộng thêm 15 m mỗi bên của cầu hiện hữu, các cầu còn lại giữ nguyên hiện trạng.
Theo UBND TP HCM, hiện có 4 nhà đầu tư quan tâm dự án theo hợp đồng BOT (kinh doanh - xây dựng - chuyển giao). Tổng mức đầu tư được họ đề xuất lần lượt là: 6.500 tỷ, 8.500 tỷ, 8.600 tỷ và 9.500 tỷ đồng, trong đó tiền giải phóng mặt bằng khoảng 2.200-3.000 tỷ.
Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 22 được thực hiện theo hình thức BOT. Ảnh:Hữu Nguyên |
Trước đó, Chính phủ cho phép UBND TP HCM có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 22 trên địa bàn TP HCM và tỉnh Tây Ninh theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).
Quốc lộ 22 dài 58 km chạy qua địa bàn TP HCM và tỉnh Tây Ninh, là tuyến giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ và từ TP HCM đi Tây Ninh, qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sang Campuchia và các nước khu vực ASEAN.
Chính quyền TP HCM đánh giá việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22 là cấp thiết và cần sớm triển khai bởi thời gian gần đây thường xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào các giờ cao điểm. Nguyên nhân chính là mặt đường không đủ rộng cho các làn xe.
Bên cạnh đó, các dự án đường Vành đai 3 (Bến Lức - Quốc lộ 22 và đoạn Quốc lộ 22 - Bình Chuẩn), tuyến cao tốc từ TP HCM đi Mộc Bài chuẩn bị hoàn thành, cộng với việc TP HCM đẩy mạnh triển khai các dự án xây dựng khu đô thị Tây Bắc, khép kín tuyến Vành đai 2 cũng khiến lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 22 quá tải.
Về việc đặt trạm thu phí để hoàn vốn, UBND TP HCM đã kiến nghị và được Bộ GTVT thống nhất phương án một nhà đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 22 để tránh tình trạng một tuyến đường dài 58 km có 2 trạm thu phí, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km theo quy định.
Theo Hữu Công (VnExpress.net)