Chủ tịch Quốc hội Venezuela Julio Borges vừa có thư gửi đến CEO ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, ông Lloyd Blankfein hôm 29.5.
Theo CNBC, ông Julio Borges là lãnh đạo Quốc hội Venezuela vốn do phe đối lập kiểm soát. Trong thư, ông Borgers viết: “Rõ ràng là Goldman Sachs đã quyết định quay lưng với nỗi đau của dân Venezuela. Do tính chất bất thường của giao dịch này và những điều khoản tài chính vô lý liên quan đến thiệt hại của Venezuela và người dân Venezuela, Quốc hội sẽ sớm khởi động điều tra về vấn đề. Tôi cũng có ý định gợi ý bất kỳ chính phủ tương lai nào của Venezuela không công nhận hoặc không trả những trái phiếu này”.
Trước đó, ngân hàng Mỹ mua 2,8 tỉ USD giá trị trái phiếu từ ngân hàng trung ương Venezuela. Tờ The Wall Street Journal cho hay điều khoản của giao dịch trái phiếu trên là Goldman Sachs trả khoảng 865 triệu USD để mua 2,8 tỉ USD trái phiếu được hãng dầu thô quốc doanh Venezuela Petroleos de Venezuela (PDVSA) phát hành vào năm 2014, đáo hạn năm 2022. Mức chi phí như trên tương đương 31 cent với mỗi 1 USD, cho thấy lợi suất thường niên trên 40%.
Ông Borgers cho hay thỏa thuận trên là “huyết mạch tài chính” cho chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người đang bị cáo buộc sử dụng bạo lực để chống các cuộc biểu tình gần đây.
Ngân hàng Mỹ viết trong email cho hay họ không mua trái phiếu từ chính phủ hoặc tương tác với chính phủ Venezuela, mà là mua trên thị trường thứ cấp thông qua một nhà môi giới. Goldman Sachs nói thêm trái phiếu được giữ trong các quỹ đầu tư và tài khoản mà nhà băng quản lý giúp khách hàng.
“Chúng tôi đầu tư vào trái phiếu PDVSA vì, như nhiều hãng trong ngành quản lý tài sản, chúng tôi tin rằng tình hình ở đất nước sẽ cải thiện theo thời gian. Nhiều nhà đầu tư thực hiện các khoản đầu tư tương tự hằng ngày thông qua nhiều loại quỹ cũng nắm giữ trái phiếu PDVSA. Chúng tôi biết tình hình phức tạp đang diễn ra và Venezuela đang trong khủng hoảng. Chúng tôi đồng ý rằng cuộc sống ở Venezuela cần trở nên tốt hơn và thực hiện đầu tư một phần vì tin rằng cuộc sống ở đó sẽ trở nên tốt hơn”.
Sự kết hợp của tình hình quản lý yếu kém và việc giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chủ chốt, giảm mạnh khiến Venezuela khủng hoảng trầm trọng. Nước này thiếu hụt nhiều mặt hàng cơ bản như thực phẩm, dược phẩm.
Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)