Những ngày qua, các lái buôn tìm về các xóm, làng để hỏi mua cau tươi đã không còn quá xa lạ với người dân tỉnh Quảng Trị. Ngay từ sáng sớm, sau những ngày mưa lụt kéo dài, đã có rất nhiều thương lái đổ xô về các vùng quê lùng mua cau với số lượng lớn với giá thành cao.
Việc cau trái được hỏi mua với giá cao hơn mọi năm khiến nhiều nông dân ở Quảng Trị không khỏi bất ngờ và vui mừng. Gặp chúng tôi, bà Trần Thị Lam (thường trú xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị) cho biết, gia đình bà có gần 100 gốc cau, mấy ngày nay thấy có nhiều người đến hỏi mua với giá cao nên đã cho hái bán hết cả già lẫn non.
“Cau được thương lái chọn mua không được non quá cũng không được già quá. Chỉ cần quả cau đã có hạt, hạt còn mềm thì bao nhiêu cũng mua hết. Tất cả được cân ngang cả quả lẫn cuống với giá khoảng 7.000 đồng/kg. Cau càng đẹp thì giá càng cao. Nhờ có gần 100 gốc cau mà gia đình tôi bán được vài triệu đồng”, bà Lam phấn khởi.
Theo nhiều hộ trồng cau cho biết, trước nay cau trồng trong vườn chủ yếu bán để dùng cho việc cưới hỏi, ma chay nên cau đẹp lắm chỉ bán được với giá 5.000 đồng/buồng. Nhiều khi không bán được còn để chín vàng ở trên cây. Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, nhiều thương lái tìm đến tận vườn hỏi mua cau với giá cao đã giúp nhiều gia đình có thêm một khoản thu nhập.
Việc thương lái thu mua cau với giá cao cũng kéo theo sự xuất hiện của nhiều “lái buôn nghiệp dư” hoạt động rộng rãi trên địa bàn. Gọi là “lái buôn nghiệp dư” bởi hầu hết họ đều là người dân đi thu mua tự phát. Thấy việc gom cau về bán lại cho thương lái cho thu nhập cao nên nhiều người tự bỏ vốn tìm về các vùng quê để hỏi mua.
Vốn dĩ làm thuê, thu nhập mỗi ngày khoảng 150.000 đồng nhưng thấy nhiều người đi buôn cau có lời, chị Trần Thị Tâm (ở phường Đông Giang, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cũng bỏ vốn đi buôn gần 10 ngày nay. Chị Tâm cho biết: “Hàng ngày tôi đi xe máy tìm đến các vùng có trồng nhiều cau để hỏi mua tại vườn với giá từ 7.000 – 9.000 đồng/kg. Sau khi gom được một số lượng vừa đủ thì sẽ đưa đến nhập cho mối quen với giá khoảng 17.000 - 20.000 đồng/kg. So với làm thuê vất vả, nếu chịu khó đi và gặp may một tí, có ngày tôi cũng lời 1 đến 2 triệu đồng”.
Chị Tâm còn cho biết thêm, việc buôn cau này chỉ theo thời vụ. Các mối nhập cau lại luôn trong tình trạng “khan hiếm” hàng nên chị cũng gọi thêm người thân trong gia đình chia nhau đi về tận các làng trên xóm dưới để tìm mua được càng nhiều cau càng tốt. Tuy vậy, khi được hỏi có biết mục đích thương lái mua cau để làm gì, chị Tâm cũng như nhiều người khác đều lắc đầu.
“Người thì bảo mua để làm kẹo, người thì bảo mua để làm thuốc…cường dương?! Tôi nghe là mua rồi nhập sang Trung Quốc. Thấy mua bán cau được giá thì cũng tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập thôi chứ cũng không mấy quan tâm đến chuyện đó”, chị Tâm cười xuề.
Thận trọng trước rủi ro
Thực tế, trước đây đã nhiều lần xảy ra chuyện thương lái Trung Quốc hỏi mua các mặt hàng nông sản rồi đột ngột ngưng không mua nữa khiến nhiều nông dân rơi vào tình cảnh khốn đốn. Việc gom mua cau tươi với số lượng lớn, khi không biết chính xác mục đích sử dụng của thương lái là gì rõ ràng rất “nguy hiểm”.
Có hay không việc quả cau tươi là một nguyên liệu sản xuất thuốc giúp… cường dương, theo tìm hiểu của chúng tôi trong nhiều tài liệu về Đông y vẫn chưa thấy nhắc đến. Trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” có viết về công dụng chữa bệnh của hạt cau, GS.TS Đỗ Tất Lợi cũng chỉ đề cập đến việc chữa giun sán, viêm ruột, chữa chốc đầu cho trẻ nhỏ hay sốt rét.
Để nắm rõ hơn về tình hình, trong vai một “lái buôn nghiệp dư” có nhu cầu nhập cau, PV đã tìm đến một điểm thu mua cau nằm trên QL1A gần đường tránh đi Thừa Thiên Huế để tìm hiểu thêm thông tin. Tại đây, dù mới đầu giờ chiều nhưng cảnh buôn bán, trao đổi đã diễn ra khá tấp nập. Các lái buôn sau khi thu mua cau của người dân từ nhiều vùng khác nhau đã bắt đầu đưa về để nhập lại cho các thương lái lớn luôn chờ sẵn ở các điểm tập kết.
Người trực tiếp thu mua cau lại từ các lái buôn tại điểm tập kết này là hai nam thanh niên còn khá trẻ tuổi. Qua trò chuyện, một trong hai thương lái trẻ tuổi cho biết, số cau này sau khi thu mua sẽ mang đi nhập cho các cơ sở thu gom lớn hơn ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Cau sau đó được tách khỏi buồng, luộc, sấy khô, chọn lọc và đóng bao. Cứ cách vài ngày lại có các thương lái ở miền Bắc vào thu gom một lần, rồi đưa ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để xuất đi Trung Quốc làm nguyên liệu sản xuất kẹo cau bán cho các nước ở xứ lạnh.
“Bình thường xe chúng tôi thu mua khoảng vài tấn cau tươi mang về nhập mỗi ngày. Trước đây, xe vẫn hay thu mua trên địa bàn Thừa Thiên Huế, nhưng do số lượng cau nguyên liệu khan hiếm, thu mua ở Huế cũng không đủ nên phải tìm ra các tỉnh khác để thu mua thêm”, trò chuyện nhưng tay không ngưng chuyển những buồng cau xanh chất lên xe, chẳng mấy chốc, chiếc xe tải lớn của hai thương lái trẻ tuổi đã “no cau”.
Trước thực trạng cau tươi bất ngờ được thương lái thu mua với giá cao, PV đã có cuộc trao đổi với Ông Trần Văn Tân, Chi cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị). Ông Tân cho biết, hiện diện tích trồng cau trên địa bàn tỉnh là không lớn, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Hải Lăng và Triệu Phong. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn thấy thương lái đổ xô đi mua cau với giá cao, việc bà con bán nông sản được giá là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trước thông tin nhiều người dân đổ xô lùng mua cau bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc, ông Tân cũng đưa ra những khuyến cáo: “Thị trường bấp bênh, nhiều rủi ro, bà con cũng nên cẩn trọng, thu gom cau ngày nào thì nên bán hết ngày đó, không nên trữ lại tránh việc thương lái không thu mua nữa gây thua lỗ”. |
Theo Lê Chung (Giadinh.net.vn)