Quảng Ninh: 'Nóng' chuyện quản lý đất đai tại Vân Đồn

27/04/2018 14:52:00

Chưa bao giờ, vấn đề quản lý đất đai ở Vân Đồn - nơi đã từng là thương cảng cổ sầm uất xưa, và nay sắp trở thành đặc khu kinh tế - lại trở nên “nóng bỏng” như thời điểm hiện tại. Vào những ngày cuối tháng 4, trong các phòng làm việc tại huyện Vân Đồn, có tới 4 đoàn thanh tra của tỉnh Quảng Ninh cùng lúc công tác liên quan đến vấn đề đất đai. Bên ngoài những thửa, ô đất, các cuộc thương lượng của kẻ mua, người bán vẫn chưa ngớt râm ran...

Địa chính xã – Nghề “nguy hiểm”?

Đoàn Thành – một người đàn ông bản xứ, ở thôn Đài Mỏ, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn – từng phải lên rừng kiếm sống bằng nghề khai thác lâm sản phụ, nay bỗng chốc đổi đời, khoác áo doanh nhân. Cuộc “thay máu” của anh bắt đầu từ khi dự án Khu phức hợp phía đông đảo Cái Bầu (xã Vạn Yên) khởi động vào đầu năm 2017. Hơn 300m2 đất của gia đình được Thành bán chóng vánh, đút túi hơn 4 tỷ đồng. Có vốn, lại nhanh nhạy nắm được “vận mệnh” đặc khu trong tương lai, Thành đi tìm mua những miếng đất nhỏ quanh xã, rồi có người hỏi mua, cứ thấy lời là bán.

Quảng Ninh: 'Nóng' chuyện quản lý đất đai tại Vân Đồn
Lô đất mà Đoàn Thành giới thiệu: Rộng 6.000m2, trong đó có 400m2 thổ cư, giá bán vo là 1,5 triệu đồng/m2. Ảnh: Nguyễn Quý.

Cứ như vậy, “máu” kiếm tiền từ việc kinh doanh bất động sản ngay trên mảnh đất quê hương ngày càng sôi sục. “Thời điểm này khó có thể giao dịch được miếng ngon, nên em chuyển sang làm “cò”. Mới tháng trước em giới thiệu được 1 miếng đất hơn 100m2 ở khu 6, thị trấn Cái Rồng, cũng được mấy chục triệu” – Thành khoe.

Không chỉ riêng ở khu vực “hot” như trung tâm thị trấn Cái Rồng, các xã Đoàn Kết, Hạ Long, Vạn Yên, mà ngay cả trên các tuyến đảo thuộc huyện Vân Đồn như Minh Châu, Quan Lạn..., đất đai cũng bị “rung chấn” bởi những cơn “sốt”.

Tại xã đảo Quan Lạn, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm hiện tại xuất hiện nhiều người từ nơi khác đến đây tìm mua đất thổ cư. Một miếng đất bình thường như ở thôn Đông Nam, cuối năm 2017 chỉ có giá là 6 triệu đồng/m2, nay đã lên tới 16 triệu. “Quỹ đất ở Quan Lạn không còn, nhưng họ có cách để chuyển đổi từ đất ruộng lấy lý do là bị nhiễm mặn, để chuyển sang đất vườn, rồi từ đất vườn lại chuyển sang đất ở” – một người sành sỏi chuyện đất đai ở Quan Lạn cho biết.

Quảng Ninh: 'Nóng' chuyện quản lý đất đai tại Vân Đồn - 1
Biển quảng cáo địa chỉ giao dịch bất động sản mọc lên nhiều nơi tại Vân Đồn.

Theo báo cáo của huyện Vân Đồn, trong quý I năm 2018, tình hình quản lý đất đai trên địa bàn huyện có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là từ cuối tháng 3 năm 2018 đến nay. Tại một số địa phương trên địa bàn huyện, đặc biệt là tại xã Minh Châu và xã Đài Xuyên đã xảy ra tình trạng người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng trái phép, tự ý san gạt lấn chiếm đất đai.

Câu hỏi đặt ra là, người dân có thể “tự ý” chuyển đổi mục đích sử dụng đất không, nếu không có sự “lót tay” cho các quan địa chính xã và huyện?

Về vấn đề này, tại buổi làm việc với huyện Vân Đồn vào chiều 18.4, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chính quyền huyện Vân Đồn phải xử lý nghiêm minh, làm điểm, truy cứu trách nhiệm đến cùng những cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan đến việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng trái phép, tự ý san gạt lấn chiếm đất đai trên địa bàn xã Minh Châu và Đài Xuyên. Đối với đội ngũ cán bộ làm địa chính, đất đai ở xã, ở cơ sở phải coi trọng chất lượng, thấy không đủ điều kiện thì phải tăng cường hoặc thay thế.

 “Bong bóng” vỡ – tiếng nổ được báo trước?

Không ai dám khẳng định rằng trong tương lai gần bất động sản ở Vân Đồn sẽ tăng hay giảm. Nhưng theo các “cò” đất, thời điểm hiện tại giá đất đã chững, không còn “tung chảo” như hồi cuối năm 2017.

Trao đổi bên lề về thị trường bất động sản ở Vân Đồn, một vị lãnh đạo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho hay: “Những người đã mua vo hàng nghìn m2 đất nhưng chỉ có số ít diện tích trong đó là đất ở nằm trong sổ đỏ, sẽ phải chịu hậu quả nếu “bong bóng” bất động sản vỡ”.

Điều đáng tiếc xảy ra là, đã có rất nhiều cuộc chuyển nhượng như vậy bắt đầu sau khi Đề án xây dựng Đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn được trình lên Chính phủ và chờ Quốc hội thông qua. Nhiều cánh rừng, diện tích đất trồng rừng đã được chuyển nhượng cho cả những người ở nơi khác đến. Trong khi đó, theo luật, đối tượng được giao, cho thuê rừng, đất trồng rừng chỉ được chuyển nhượng cho những người dân địa phương sinh sống tại đó và mua để trồng rừng.

Quảng Ninh: 'Nóng' chuyện quản lý đất đai tại Vân Đồn - 2
Trên trục đường chính thị trấn Cái Rồng, luôn rầm rập những đoàn xe tải chở đất, cát san lấp mặt bằng thực hiện các dự án để "đón lõng" Đặc khu trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Quý.

Từ cuối năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã có lệnh tuyệt đối không chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản sang các mục đích khác, không đúng quy hoạch. HĐND tỉnh Quảng Ninh ra riêng một nghị quyết về một số biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó yêu cầu: Cương quyết không cho chuyển mục đích sử dụng đất cho bất kỳ trường hợp nào nhằm hợp thức hóa các sai phạm về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai; không điều chỉnh quy hoạch theo mục đích kinh doanh chỉ có lợi cho các nhà đầu tư.

Thị trường bất động sản ở Vân Đồn có sớm ổn định, không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, cũng như môi trường đầu tư, kế hoạch phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn hay không? Câu trả lời nằm trong tay những người cầm quyết sách của tỉnh Quảng Ninh.

Theo Nguyễn Quý (Dân Việt)