UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng nếu vay vốn ODA để đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái như đề xuất của Bộ GTVT thì sẽ rất lâu. Cho nên, tỉnh này muốn được tự định đoạt việc đầu tư dự án.
Trong văn bản này, UBND tỉnh Quảng Ninh không quên đề cập đến việc Bộ GTVT hồi tháng 1/2016 đã xin Thủ tướng giao bộ này thẩm quyền quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để thực hiện cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thay cho UBND tỉnh Quảng Ninh. Số vốn vay dự kiến là gần 7.000 tỷ đồng. Khi đó, Quảng Ninh cũng đã thống nhất với đề xuất này.
Quảng Ninh đang xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc. Ảnh minh họa (theo báo Quảng Ninh) |
Thế nhưng, trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 27/7, UBND tỉnh Quảng Ninh tỏ ra sốt ruột khi đến nay dự án chưa được triển khai.
“Xét trên thực tế nếu vận hành thực hiện dự án tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đầu tư từ nguồn vốn ODA thì sẽ rất lâu và sẽ không hoàn thành trước năm 2020 như quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2008”, UBND tỉnh Quảng Ninh trình bày.
Do đó, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng tiếp tục giao cho Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
UBND tỉnh Quảng Ninh chưa đề cập đến việc sẽ dùng nguồn vốn nào để đầu tư đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về việc Bộ GTVT đề xuất vay gần 7.000 tỷ đồng vốn ODA Trung Quốc.
Bộ KH-ĐT cho rằng việc đầu tư dự án là cần thiết. Kinh phí đầu tư dự kiến 8.600 tỷ đồng là phù hợp với khả năng huy động vốn đầu tư và nhu cầu vận tải.
Tuy nhiên, theo cơ quan này, điều kiện vay của khoản tín dụng gần 7.000 tỷ đồng nêu trên “chưa đủ ưu đãi” để sử dụng cho dự án theo cơ chế tài chính ngân sách nhà nước cấp phát như đề xuất của Bộ GTVT. Vì vậy Bộ KH-ĐT cho rằng chủ trương này cần được cân nhắc kỹ hơn.
Lý giải việc phải vay ODA Trung Quốc cho dự án Vân Đồn - Móng Cái, Bộ Giao thông vận tải cho hay: Ngoài Trung Quốc chưa có nhà đầu tư nào đồng ý tài trợ, trong khi nếu tách đoạn Vân Đồn - Móng Cái thành một dự án BOT độc lập thì sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia do kinh phí đầu tư lớn.
Còn Bộ Tài chính lưu ý cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng dự án.
Cuối cùng, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc chủ trương sử dụng vốn tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc cho dự án này.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)