Tháng 11/2014, sau khi báo chí dồn dập đưa tin về tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc xác minh làm rõ.
Trong kết luận về vụ việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ ông Truyền mắc một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất. Danh sách 6 căn nhà, biệt thự có bóng dáng ông Truyền và người thân nắm giữ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương liệt kê khiến dư luận không khỏi “giật mình”. Trước những vi phạm khuyết điểm ấy, ông Truyền đã bị kỷ luật cảnh cáo.
Cũng như “biệt thự ông Truyền”, nhiều quan chức sau khi về hưu đã được báo chí điểm mặt trong những căn biệt thự nguy nga xây dựng để “dưỡng già”.
Nhưng những căn biệt thự, những tài sản cực lớn nhìn thấy được dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Dư luận cũng không ít lần “dở khóc dở cười” khi đọc những bản tin về những tên trộm “viếng thăm” nhà quan chức. Khi ấy, số tài sản bị cuỗm đi trị giá hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỷ đồng hay vài chục nghìn đôla...
Những căn biệt thự, những tài sản cực lớn nhìn thấy được dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. |
Mới đây, dư luận lại xôn xao trước thông tin về tài sản cổ phiếu “khủng” giá trị lên đến 600-700 tỷ đồng của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cùng gia đình tại bóng đèn Điện Quang. Thực tế, không khó để tìm ra các số liệu cổ phiếu này bởi tất cả đều được công khai trên các website khi Điện Quang là công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán gần 10 năm nay. Bà Thoa cũng đã kê khai số tài sản là cổ phiếu này với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, câu hỏi lại đặt ra, dù từng là một lãnh đạo doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp nhà nước rồi cổ phần hóa vậy bà Thoa và gia đình lấy đâu ra nguồn tiền lớn đến thế để mua cổ phiếu. Rồi có hay không những thất thoát trong quá trình cổ phần hóa ở đây.
Nhưng, trong những trường hợp kể trên, thật khó để dư luận biết rằng quan chức nào giàu có bằng mồ hôi nước mắt của mình, quan chức nào giàu có bất minh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng đã giao 3 bộ và Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về xác minh tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Trò chuyện với PV VietNamNet, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học công an, Bộ Công an, cho rằng: "Tôi nghĩ chúng ta phải tỉnh táo để phân biệt rõ, vì nếu không sẽ võ đoán, đánh giá sai cán bộ, làm hại, làm oan cho cán bộ; ngược lại cũng có thể bỏ sót các cán bộ tha hóa chui vào Đảng, làm biến chất Đảng, làm Đảng viên và người dân giảm niềm tin vào Đảng. Cho nên, phải tìm hiểu đến cùng vấn đề ở nhiều khía cạnh.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, trước hết phải xem tài sản của quan chức đó cỡ bao nhiêu dù rằng rất khó để có một con số chính xác nhất. Nếu như tài sản ở mức vài trăm triệu, hay vài tỷ thì không nhất thiết phải truy vấn, nhưng nếu tài sản lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì phải làm rõ.
Tiếp đó, khi đã xác định được số tài sản thì phải làm một điều quan trọng hơn là xem xét nguồn gốc tài sản đó. Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: Trong bộ máy công quyền, có nhiều người có tài sản lớn, nhưng tài sản ấy là chân chính. Ví dụ họ có con cái giỏi giang kinh doanh, làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài, họ sống cần kiệm thì có khả năng tích lũy được khối tài sản hàng tỷ đồng; hoặc trong quá trình phân chia tài sản của cha ông để lại.
“Thế nhưng nếu như có hàng chục, hàng trăm tỷ mà không tìm ra nguồn gốc chính đáng về tài sản này thì có thể nghĩ ngay bắt nguồn từ nguồn thu bất chính. Ta chỉ quan tâm đến loại cán bộ này. Chắc chắn trong số hàng trăm, hàng nghìn Đảng viên giàu có thế này, có một số lượng không nhỏ, phần lớn là quan chức, lợi dụng chức quyền mưu lợi cá nhân. Điều này chắc chắn có, phải tập trung vào loại cán bộ này để làm rõ nguồn gốc tài sản”, Thiếu tướng Lê Văn Cương chia sẻ.
TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam, cho rằng: Trước đây chúng ta hay quan niệm lãnh đạo là nghèo khó. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi nên chúng ta cần nhìn nhận lại cách đánh giá. Quan chức, lãnh đạo có thể nghèo, nhưng cũng có thể giàu. Có thể họ làm lãnh đạo khi đã trải qua một quá trình làm ăn, kinh doanh chính đáng thì không có gì phải băn khoăn. Tiếc rằng giờ lại có cán bộ, quan chức giàu có một cách không chính đáng.
Để phân biệt được giữa các quan chức này, theo TS Đỗ Đức Định, phải có cơ quan đủ thẩm quyền để kiểm soát xem sự giàu có của quan chức ấy là chính đáng hay không. Tổng thống Mỹ Donald Trump là tỷ phú, ông ấy kinh doanh hàng chục năm mới đi làm chính trị và dù bị “soi” trong quá trình tranh cử nhưng nhờ cơ chế minh bạch, có sự giám sát nên ông ấy có thể dễ dàng giải trình được nguồn gốc tài sản.
Kê khai tài sản: Cần nhưng đã đủ?
Những khối tài sản lớn của quan chức khi lộ ra đều thu hút sự chú ý. |
Thực tế ở Việt Nam, việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ, lãnh đạo cũng đã được triển khai, đơn cử như việc kê khai tài sản. Thế nhưng độ xác tín của những bản kê khai ấy vẫn còn là dấu hỏi.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực. Còn theo báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ, trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Thiếu tướng Lê Văn Cương thẳng thắn nhận xét: Việc kê khai tài sản là đúng, là tích cực, hội nhập với dòng văn minh của nhân loại. Các quốc gia văn minh trên thế giới đều làm được việc này và họ làm được, làm tốt. Nhưng khác nhau ở ta với các nước là quá trình triển khai thực hiện. Người ta làm bằng nhiều cách, soi từ nhiều hướng nên việc này có hiệu quả. Ta thì chưa được như mong muốn nên phải xem lại.
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII, cho rằng: Có những người giàu có chính đáng, nhưng cũng có quan chức giàu đến mức bất bình thường. Bởi vì chúng ta không quản lý được nguồn gốc tài sản nên nhiều người lợi dụng chuyện đó để làm giàu.
Khi còn là Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Bá Thuyền đã không ít lần phải kiến nghị phải yêu cầu kê khai cả tài sản của con thành niên và người thân trong gia đình. “Luật chỉ yêu cầu con chưa thành niên mới phải kê khai, nên tài sản quan chức giờ đưa cho con cháu thành niên đứng tên hết”, ông Thuyền nói. Ngoài ra, theo ông Thuyền, cần phải có quy định sử dụng tài sản thông qua tài khoản, chứ như hiện nay rất khó để kiểm tra nguồn gốc tài sản.
“Phải có quy định là chi tiêu bao nhiêu tiền đấy thì phải qua tài khoản, chứ không tiêu tiền mặt, để anh có tham nhũng, có tiền “đen” anh cũng không tiêu được. Như vậy mới minh bạch, rõ ràng được. Giờ chúng ta muốn xài bao nhiêu cũng được, tiền kiếm được một cách chân chính cũng như tiền có được một cách bất hợp pháp, trắng đen lẫn lộn như vậy khó chống được tham nhũng”, ông Nguyễn Bá Thuyền đề nghị.
Theo Hải Duy (VietNamNet)