Ghi nhận của VnExpress mùng 3 Tết Kỷ hợi, tại nhiều điểm bán tự phát tại các điểm vui chơi, giải trí giá bán tăng gấp hai – ba lần so với ngày thường. Cho con dạo chơi, du Xuân tại khu vực dải trung tâm thành phố Hải Phòng, chị Nga đưa cả nhà đến một quán trà sữa trên đường Trần Phú, sau tính tiền hoá đơn hết gần nửa triệu đồng cho 8 cốc trà sữa. So với ngày thường, giá tại đây đã tăng gấp rưỡi.
"Phải tăng thêm lương cho nhân viên làm việc ngày tết, giá nguyên liệu cũng tăng nên tôi buộc phải tăng giá phụ thu", chị Hạnh - chủ một quán kem, trà sữa giải thích.
Trong khi đó nhiều cửa hàng thuộc các chuỗi cà phê, trà sữa nổi tiếng mở cửa xuyên Tết và giá không đổi trong dịp này. Khách tới nườm nượp khiến nhân viên phục vụ không kịp trở tay. Có quán vừa mở cửa ít phút, khách đã xếp hàng dài, chờ đợi 10-15 phút mới tới lượt gọi đồ uống.
Hoàng - nhân viên một công ty truyền thống lớn tại Hà Nội cho biết, anh và bạn bè chọn địa điểm tụ họp ngày đầu Xuân tại một quán thuộc chuỗi cà phê khá có tiếng trên đường Bà Triệu (Hà Nội), thay vì tới các tụ điểm vui chơi giải trí khác.
"Ngày Tết chỗ nào cũng đông, bọn mình chọn quán cà phê có không gian thoáng đãng, thoải mái để tụ họp. Quán đông nhưng có ưu điểm không gian rộng, thoải mái trò chuyện", Hoàng cho biết.
Khoảng 10h sáng, một cửa hàng cà phê trên phố Trần Phú đã phải xin lỗi khách vì hết chỗ. Khách hàng nào chấp nhận chờ đợi xếp chỗ sẽ được nhân viên phục vụ miễn phí nước lọc.
Mở cửa xuyên Tết, nhiều chuỗi cà phê cho biết không thu thêm phụ phí từ khách, nhưng cũng có quán thông báo thu 10-20% dịp này. Một thương hiệu trà sữa nổi tiếng tại TP HCM vừa hiện diện tại Hà Nội trong những ngày sát Tết thông báo phụ thu khách hàng 20% trong 4 ngày Tết (5/2-8/2). Mức phụ thu này theo nhiều khách hàng là khá cao, nhưng họ chấp nhận với quan niệm "trong lúc mình nghỉ, họ mở cửa phục vụ thì đây cũng là khoản chi phí hợp lý".
Để có nhân viên phục vụ, hầu hết chủ các hệ thống cà phê, trà sữa đều đưa ra chính sách tăng tiền lương gấp 3-4 lần cho nhân viên trong những ngày làm thêm tăng ca Tết.
Hằng, nhân viên chạy bàn tại hệ thống cà phê Cộng cho biết, cô được trả gấp 3 lần tiền lương vài ngày làm Tết. Nhà ở Hà Nội nên Hằng cũng tranh thủ làm thêm những ngày này, kiếm thêm thu nhập. "Khách ngày Tết đông hơn thường nhật gấp đôi, chạy bàn cũng mệt hơn", Hằng chia sẻ.
Một hệ thống cà phê, trà sữa nổi tiếng khác cũng đưa ra chính sách tiền lương gấp 4 lần trong tuần làm Tết, nhưng không phải nhân viên nào cũng chấp nhận ở lại làm. Mạnh quê ở Thanh Hoá làm bartender tại hệ thống trà sữa ở TP HCM cho hay, cậu chọn về quê thay vì ở lại làm thêm dịp Tết, dù lương tăng gấp 4 ngày thường.
"Nhà ở xa, một năm cũng chỉ có một dịp nghỉ dài ngày về thăm bố mẹ nên tôi không ở lại Sài Gòn làm dịp này, nhường cơ hội cho những bạn quê gần hơn", Mạnh nói.
Trong khi các hệ thống quán lớn tại Hà Nội, TP HCM tăng lương cho nhân viên, mở cửa xuyên Tết để phục vụ khách, thì những quán cà phê, trà sữa nhỏ lại đóng cửa và mở hàng trở lại vào những ngày đầu năm mới. Anh Lam - chủ quán cà phê trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh chọn cách đóng cửa quán dịp Tết sau khi tính toán mọi khoản chi phí. "Chi phí thuê nhân viên thời vụ làm Tết cao gấp 3 ngày thường, khách đông thì bù đắp được nhưng nếu vắng thì sẽ lỗ, vì thế tôi chọn cách đóng cửa hàng và mở lại vào những ngày đầu năm mới", ông chủ quán cà phê nhỏ chia sẻ.
Theo Minh Anh (VnExpress.net)