Văn bản kiến nghị mới đây của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được căn cứ trên đề xuất của Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) và các cổ đông của doanh nghiệp này nhằm xử lý các tồn tại, yếu kém tại dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả là Xơ sợi Polyester Đình Vũ.
Theo đó, phía PVN đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét các biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các dự án, doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đáp lại đề xuất này, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc cam kết, thực hiện các cam kết bão lãnh cho vay giữa PVN, PVTex và tổ chức tín dụng trên nguyên tắc tự nguyện của các bên, trên cơ sở tuân thủ các quy định nghiệp vụ bảo lãnh, và chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đã cam kết theo quy định của pháp luật. Do vậy, phía PVN, PVTex cần làm việc với các ngân hàng đồng tài trợ để thoả thuận, thống nhất phương án xử lý.
Trên thực tế, năm 2009, PVN từng đứng ra cam kết bão lãnh để các ngân hàng đồng tài trợ để PVTex thực hiện dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Thế nhưng, từ đó đến nay do hoạt động kém hiệu quả nên PVTex không có khả năng thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn. Điều này khiến ngân hàng đầu mối cấp tín dụng là BIDV đã phải có công văn gửi PVN đề nghị hỗ trợ PVTex thu xếp ngồn vốn để thanh toán nợ gốc, lãi và phí đến hạn…
Tuy nhiên, đến nay hai bên vẫn “tắc” và chưa có phương án giải quyết các khản cam kết về thời hạn thanh toán. Do vậy, phía Bộ Công Thương đang chỉ đạo PVN và PVTex tiếp tục đàm phán với các ngân hàng để thống nhất.
Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.
Dự án đã chậm tiến độ tới 2 năm, khi đi vào hoạt động, vận hành khoảng 7 tháng đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu. Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ trên 3.000 tỷ đồng của nhà máy. Số tiền ít ỏi hiện chỉ đủ để duy trì bộ máy, trả lương công nhân, lãnh đạo, kế toán, hành chính và cả bảo vệ.
Trước đó, trong nỗ lực nhằm "giải cứu" cho PVTex, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đưa ra cam kết sẽ tăng dần tiêu thụ xơ polyester của PVTEX trong toàn bộ hệ thống các đơn vị kéo sợi của Vinatex lên 100% thay vì tối thiểu 50% như đã cam kết và thực hiện trước đây.
Báo cáo tại buổi làm việc với Tổ công tác Chính phủ diễn ra hồi tháng trước, lãnh đạo PVN cho biết, do nhà máy đã trong trạng thái tĩnh 22 tháng rồi nên để khởi động lại thì sẽ mất thêm khoảng 1 năm để khảo sát, đánh giá lại, chưa kể hiện nhân sự đi hết nên phải đào tạo lại. Về kinh phí trước xác định là 249-256 tỷ đồng, trong đó 127 tỷ đồng trả nợ cũ, bảo dưỡng đào tạo 17 tỷ đồng, thuê chuyên gia…
Theo H.Anh (VnExpress.net)