Sau khi kêu gọi, giờ đây Tổng thống Nga Putin đang gây sức ép lớn hơn nữa để buộc các doanh nhân Nga mang tài sản nước ngoài về.
Sự mất giá chóng mặt của đồng Rúp, sự lao dốc của giá dầu cùng hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây khiến kinh tế Nga rơi vào suy thoát. Việc gây sức ép lên các nhà tài phiệt Nga được coi là nỗ lực cứu vãn tình hình của Tổng thống Putin.
Theo quy định thuế mới trở thành luật sau một sắc lệnh của Tổng thống vào tháng 11 vừa qua, từ năm 2015, công dân Nga sẽ phải nộp mức thuế 13% đối với các khoản thu nhập từ các công ty hay quỹ ủy thác ở nước ngoài do họ kiểm soát. Trong trường hợp nhà chức trách xác định thực thể nắm giữ tài sản ở nước ngoài của công dân Nga không có số lượng nhân viên hay tài sản tới mức quan trọng, thì thuế suất áp dụng tăng lên 20%.
“Nhiều chủ sở hữu đã bắt đầu chuyển tài sản về Nga”, ông Artem Toropov, một luật sư về thuế ở Moscow, cho biết. “Việc để tài sản ở nước ngoài hiện nay có thể đem đến nhiều rủi ro về thuế hơn là lợi ích, dù trong nhiều trước hợp đó vẫn là cách tốt hơn để bảo vệ tài sản”.
|
Những người giàu nhất nước Nga đã đáp lời kêu gọi của ông Putin
|
Ước tính, số tài sản mà giới doanh nhân và quan chức Nga cất ở các “thiên đường thuế” từ đảo Síp tới Thụy Sỹ lên tới 1.000 tỷ USD.
Tỷ phú Alisher Usmanov, người giàu thứ nhì ở Nga với giá trị tài sản ròng 14 tỷ USD, được coi là người đầu tiên chuyển tài sản chủ chốt ở nước ngoài về nước, theo lời kêu gọi của Tổng thống Putin.
Telecominvest - công ty con của USM đang đặt tại đảo Síp đã chuyển số cổ phần tại Megafon sang AF Telekom - công ty viễn thông có trụ sở tại Nga. Vì vậy, AF Telekom hiện nắm 53,8% cổ phần nhà mạng này. USM Steel &Mining - một công ty con khác tại đảo Síp của USM, cũng đã chuyển cổ phần tại Metalloinvest sang USM Metalloinvest có trụ sở tại Nga.
Usmanov hiện là cổ đông lớn nhất của USM với 48% cổ phần.
Tỷ phú Roman Abramovich cũng có hành động tương tự. Vladimir Litvinenko, một nhân vật thân cận với ông Putin, tuyên bố chuyển cổ phần 4,81% trong hãng phân bón PhosAgo từ nước ngoài về Nga.
Vào tuần trước, các chủ sở hữu của sân bay Moscow Vnukovo cũng đã chuyển cổ phần 81% từ hai công ty ở Síp về Nga.
Những vụ chuyển tải sản này đang giúp đảo ngược một phần dòng tài sản chạy từ Nga ra nước ngoài trong 20 năm qua. Theo dữ liệu của Bloomberg, tất cả 20 người giàu nhất Nga đều có một phần tài sản cất ở nước ngoài. Các tỷ phú này nắm tổng cộng 181 tỷ USD tài sản ròng.
Ông Putin từng khẳng định, mục tiêu đầu tiên của ông là hợp pháp hóa số tài sản này, hơn là tăng thu ngân sách. Mang tài sản về Nga và hợp pháp hóa chúng đã trở thành một trong những trọng tâm chính sách của ông. Giới phân tích ước tính khoảng 2.000 tỷ USD đã chảy khỏi Nga những năm gần đây.
Ông Alexander Zakharov thuộc công ty tư vấn Paragon có trụ sở ở Moscow cho rằng, các tỷ phú có tài sản lớn sẵn sàng chuyển tài sản về Nga bởi họ có một dạng bảo lãnh nào đó rằng tài sản của họ sẽ an toàn. Những người có số tài sản ít hơn và yếu thế hơn, hoặc không có quan hệ với điện Kremlin sẽ vẫn phải tìm cách để giấu tiền ở nước ngoài như trước đây.
Theo thống kê của CNN vào tháng 12 năm ngoái, các tỷ phú thân cận với ông Putin đã mất trắng hơn 50 tỷ USD trong năm 2014 do cơn ác mộng kinh tế của đất nước.
Theo An Nhiên (Đất Việt)