Số liệu trên vừa được công bố trong “Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022” do iPOS thực hiện cùng các đối tác nghiên cứu.
Theo dữ liệu thu thập được qua khảo sát, có 58% thực khách sẵn sàng chi từ 40.000 đồng/lần cho sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000-70.000 đồng/lần (mức chi ở các thương hiệu đồ uống tầm trung như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House... ); 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng/lần (mức chi ở các thương hiệu đồ uống cao cấp như Starbucks, Runam Bistro,... ).
Mức chi 41.000-70.000 đồng/lần “đi cà phê” chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm những người có mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Đối với những người có thu nhập dưới 5 triệu/tháng, mức chi 20.000-40.000 đồng/lần.
Xét về giới tính, phụ nữ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho việc “đi cà phê” khi mức chi tiêu từ 41.000-70.000 đồng/lần chiếm tỷ trọng lớn; đối với nam giới, mức chi 20.000-40.000 đồng/lần lại phổ biến nhất.
Ở góc nhìn tổng quan, iPOS dẫn số liệu của Euromonitor, quy mô thị trường cà phê Việt Nam đạt hơn 10.845 tỷ đồng vào năm 2022. Ngành cà phê của Việt Nam dự kiến tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dự báo với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7,9%, thị trường dự kiến đạt 11.779 tỷ đồng vào năm 2023, hướng tới con số 15.837 tỷ đồng năm 2027.
“Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với hiện trạng dân số đang tăng nhanh, đặc biệt là dân số trẻ với văn hóa cà phê nở rộ, thị trường cà phê Việt có nhiều cơ hội phát triển với các yếu tố tăng trưởng, thúc đẩy thị trường”, nhận định từ báo cáo.
Trong khi đó, trà cũng là một thức uống khác cũng đang trở thành xu thế. Theo Euromonitor, quy mô thị trường trà Việt Nam đạt hơn 9.086 tỷ đồng năm 2022. Thị trường trà năm 2023 được định giá 10.049 tỷ, và hướng tới 15.059 tỷ đồng vào 2027.
Tại Việt Nam, thị trường trà đang phát triển mạnh do sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Ngày nay, những người uống trà quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm chất lượng cao, có lợi ích sức khoẻ cụ thể. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu về các loại trà thảo dược, trà xanh tốt cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, nhận thức về trà cũng đang thay đổi khi hầu hết người tiêu dùng trẻ tuổi xem đây như một thức uống giải khát, là phương tiện để gặp mặt, chuyện trò với bạn bè.
Trong khi đó, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, cũng là các yếu tố thức đẩy thức uống có cồn gồm bia, rượu tăng trưởng mạnh.
Ngành hàng này dự báo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khoảng 8,2%/năm trong giai đoạn 2022-2026, đạt 4.831 tỷ lít năm 2023, hướng tới gần 6.000 tỷ lít vào năm 2026.
Nghiên cứu chỉ ra, bia là động lực chính giúp ngành hàng đồ uống có cồn tăng trưởng. Theo Krin Holdings (một tập đoàn đồ uống của Nhật Bản), Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ với hơn 3,8 triệu kilô lít trong năm 2020, chiếm 2,2% toàn cầu. Trong khu vực, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.
Nếu tính mức tiêu thụ rượu bia theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi), mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 1 người uống 170 lít bia/năm.
Báo cáo này được thực hiện trên 63 tỉnh/thành tại Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh/thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Dương… Dữ liệu được thu thập từ ngày 1/1/2022 đến hết 26/12/2022 với số mẫu khảo sát thu thập gồm 2.835 nhà hàng/quán cà phê cùng 3.940 thực khách.
Theo Trần Chung (VietNamNet)