Lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, sử dụng sai 9.920 tỷ đồng
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát tài chính tại Công ty mẹ - Vinafood 2 như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, hồi cuối năm 2015, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Vinafood 2 kiểm điểm, tổ chức chỉ đạo kiểm điểm và xử lý theo quy định liên quan đến những khuyết điểm và vi phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn sai quy định số tiền trên 9.920 tỷ đồng và gần 63 triệu USD, dẫn đến hậu quả kinh doanh thua lỗ, nợ khó đòi, mất vốn nhà nước.
Lỗ luỹ kế đến cuối năm 2015 của Vinafood 2 là 1.114 tỷ đồng, bằng 30,4% vốn chủ sở hữu. |
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an sớm có kết luận điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 2 vụ việc tại Công ty CP Lương thực Vĩnh Long và Công ty CP Lương thực Hậu Giang; đồng thời tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra Chính phủ để điều tra, xử lý đối với các sai phạm trong việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty CP Vận tải biển Hoa Sen của công ty mẹ.
Tổng số tiền mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý sau thanh tra tại Vinafood 2 và một số đơn vị thành viên là gần 206 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinafood 2 phải thực hiện thu hồi tổng số tiền gần 9,3 tỷ đồng.
Trước đó, trong một báo cáo đánh giá tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016 của Vinafood 2, trong năm 2015, dù kế hoạch sẽ có lãi khoảng 345 tỷ đồng nhưng thực tế Vinafood 2 đã lỗ hơn 67 tỷ đồng.
Trong năm trước đó là năm 2014, Vinafood 2 cũng có khoản lỗ lên tới gần 890 tỷ đồng. Trong đó, riêng công ty mẹ lỗ 31 tỷ đồng trong năm 2015 sau khi lỗ 873 tỷ đồng trong năm trước đó. Lỗ luỹ kế đến cuối năm 2015 của Vinafood 2 là 1.114 tỷ đồng, bằng 30,4% vốn chủ sở hữu.
Nguyên nhân lỗ được lý giải là do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức trong đó nổi lên là tăng trưởng khu vực nông nghiệp và thuỷ sản đạt thấp hơn so với cùng kỳ, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước cũng giảm.
Thị trường kinh doanh xuất khẩu lương thực vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhu cầu của các nước nhập khẩu giảm mạnh trong khi nguồn cung dư thừa do tồn kho của Thái Lan nhiều cộng thêm động thái sẵn sàng xả hàng để giải phóng lượng hàng tồn kho đang xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đó, Trung Quốc thay đổi cơ chế nhập khẩu thông qua các điều kiện hạn ngạch nhập khẩu và kiểm soát mua bán không chính thức qua biên giới cũng tác động rất lớn đến thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam. Thị trường rất trầm lắng, hầu như không có giao dịch nào đáng kể.
Xin cơ chế đặc thù để thu nợ
Báo cáo cũng cho biết, Tổng công ty đã “xin” Chính phủ có cơ chế đặc thù với Tổng công ty về xử lý nợ phải thu khó đòi tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty TNHH Một thành viên Hoà Tân Lộc, Công ty TNHH Đầu tư Bình Lợi, CTCP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum và CTCP Lương thực Hậu Giang.
Theo báo cáo, về tình hình thu hồi công nợ, tổng nợ tồn đọng phải thu hồi đến ngày 30.6.2015 là 657 tỷ đồng, đã dự phòng nợ phải thu là hơn 338 tỷ đồng. Trường hợp không thu hồi được công nợ trong năm 2015 cuối năm phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi bổ sung khoảng 112 tỷ đồng.
Đến thời điểm 25.6.2015, Công ty Lương thực Sóc Trăng đại diện cho công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty Lương thực Bạc Liêu tiếp tục ban hành công văn về việc yêu cầu Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà cung cấp các giấy tờ bản chính của các thửa đất tại Bình Dương cho Chi cục thi hành án Phú Nhuận để tiến hành xác minh kê biên.
Đối với công ty Lương thực Vĩnh Long, hiện công ty đã cử người ra quản lý tài sản tại kho New Hope của CTCP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum và tiến hành làm thủ tục thế chấp kho. Riêng kho Hoàng Diệu, đang chờ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất của UBND tỉnh Bình Phước.
Đối với tài sản là quyền sử dụng đất tại Thôn Dục Nội (Ngọc Hồi, Kon Tum) công ty đang phối hợp với CTCP Thịnh Phát Kon Tum thực hiện các thủ tục đưa tài sản thế chấp gồm 16.000 m2 đất thẩm định lại giá trị làm cơ sở xác định giá tài sản khi đưa ra đấu giá.
Phần công nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã làm việc nhiều lần nhưng công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà vẫn có ý kiến chờ kết luận của công an.
Bộ phận pháp chế Tổng công ty tư vấn, hướng dẫn cho CTCP Lương thực Hậu Giang tiến hành một số biện pháp cần thiết để làm việc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà và xem xét chuẩn bị hồ sơ khởi kiện theo quy định pháp luật.
Theo Nguyễn Minh (Dân Việt)