Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Thận trọng trong vay, sử dụng vốn ODA

30/07/2016 17:55:00

Hiện nay nợ ODA của VN chiếm khoảng 26% tổng số nợ quốc gia, 15% GDP, cho nên việc sử dụng nguồn vốn vay ODA phải hết sức cẩn thận, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Hiện nay nợ ODA của VN chiếm khoảng 26% tổng số nợ quốc gia, 15% GDP, cho nên việc sử dụng nguồn vốn vay ODA phải hết sức cẩn thận, nghiên cứu kỹ lưỡng.
 
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Đà Nẵng thận trọng trong vay và sử dụng nguồn vốn ODA

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại buổi làm việc với UBND TP.Đà Nẵng liên quan đến việc sử dụng vốn ODA (viện trợ phát triển chính phủ), tình hình đối ngoại và công tác chuẩn bị APEC 2017.

Sau khi nghe TP.Đà Nẵng báo cáo về các dự án lớn trên địa bàn thực hiện đầu tư theo hình thức công tư (PPP) có sử dụng nguồn vốn ODA, ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: “Hiện nay mô hình cũng chưa thực hiện”.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Thận trọng trong vay, sử dụng vốn ODA - ảnh 1
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tỏ ra lo lắng khi thông tin nguồn vốn ODA lãi suất thấp của VN sẽ kết thúc vào năm 2017
 
“Đà Nẵng đang đề nghị kết hợp giữa PPP với vốn vay ưu đãi hoặc ODA thì đánh giá xem cơ chế tài chính như thế nào. Đó là vay mức vay 50-70% vốn vay ưu đãi hoặc ODA làm phần góp vốn của UBND TP trong các dự án PPP”, Phó thủ tướng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng, VN đang bước vào thời kỳ không có nguồn vốn ODA rẻ, nguồn viện trợ cho không, nguồn viện trợ lãi suất thấp. “Chúng ta đã bước qua giai đoạn phát triển thấp lên thu nhập trung bình nên chỉ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay có lãi suất cao hơn trước đây. Hiện nay nợ ODA của chúng ta chiếm khoảng 26% tổng số nợ quốc gia, 15% GDP. Cho nên, việc sử dụng nguồn vốn vay ODA phải hết sức cẩn thận, nghiên cứu kỹ lưỡng”, ông Minh nói và yêu cầu, Đà Nẵng phải cân nhắc kỹ khả năng việc huy động các nguồn vốn khác ngoài nguồn ODA và khả năng trả nợ được. 

Đề cập đến vấn đề này, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tỏ ra lo lắng khi thông tin nguồn vốn ODA lãi suất thấp của VN sẽ kết thúc vào năm 2017. Hiện Chính phủ đang tích cực vận động để có được nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). “Nếu như WB không cho VN tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp thì sẽ tác động đến tất cả các nguồn vốn khác, các nhà tài trợ khác cũng sẽ dần dần cắt giảm theo WB. Như vậy, từ năm 2017 - 2020 chúng ta sẽ hết sức khó khăn, do đó phải đánh giá khả năng của các dự án. Các dự án phải hiệu quả và phải có khả năng trả nợ”, Phó thủ tướng lưu ý.

Đà Nẵng chưa làm rõ khả năng trả nợ

Tại cuộc làm việc, ông Lê Hồng Lam, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ) tỏ ra ngạc nhiên, khi Đà Nẵng luôn là địa phương đứng đầu về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh qua nhiều năm, thế nhưng trong 6 tháng đầu năm thì thu hút đầu tư của Đà Nẵng lại đứng cuối cùng trong số 53 địa phương có số liệu theo dõi.

“Số vốn thu hút được rất ít trong khi đó số vốn được rút ra lại cao hơn. 6 tháng đầu năm thu hút FDI của Đà Nẵng là âm. Vì vậy rất đáng ngạc nhiên”, ông Lam nói: “Phần xúc tiến Đà Nẵng chưa thực sự quan tâm”. 

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Thận trọng trong vay, sử dụng vốn ODA - ảnh 2
Quỹ đất Đà Nẵng đã hạn hẹp khiến TP khó khăn trong thu hút đầu tư
Thử phân tích nguyên nhân, ông Lam cho rằng, Đà Nẵng chỉ muốn thật sự thu hút những dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. “Có những nhà đầu tư như Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao muốn đầu tư cơ sở về casino thì TP lại không có đủ đất. Đó là những lý do mà Đà Nẵng không thu hút đầu tư được như ý muốn”, ông Lam nói thêm. 

Liên quan đến nguồn vốn vay, ông Lam cho rằng, Đà Nẵng tiêu dùng nguồn vốn rất lớn, nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay cũng rất lớn “nhưng chúng tôi nhận thấy TP chưa có chiến lược, hướng dài hạn”. “Chưa làm rõ được thời hạn trả nợ của mình mà mới chỉ tính theo từng năm. Cho nên TP cần có mô hình quản lý nợ dài hạn, Bộ Tài chính sẽ có công cụ quản lý để dự báo về nguồn thu, khả năng trả nợ như thế nào”, ông Lam nói.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh tốt nhưng trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng thu hút đầu tư vẫn chưa cao có thể hiểu là do “TP đang chú trọng đến thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ sạch chứ không phải là những dự án lớn có ảnh hưởng đến môi trường”. 

Xin tăng số bàn casino vì góp ngân sách lớn

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, kể từ khi Đà Nẵng được phép mở các khu vui chơi có thưởng thì, đơn vị Silver Shores (chủ đầu tư Crowne Plaza) đầu tư 8 bàn và tiếp khách nước ngoài rất đông. Theo ông Thơ, đây là cơ sở cũ nhưng nếu tăng cho họ lên khoảng 100 bàn thì sẽ đóng góp cho TP 3.000 tỉ đồng/năm.

“Hiện nay lượng khách đến Crowne Plaza đông, không có chỗ chơi. Thường vụ TP đã kiến nghị Chính phủ tăng số bàn chơi bài lên. Các bộ đã đồng ý hết nhưng Chính phủ cho biết xem xét đã… Đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới có tiếng nói, cho Đà Nẵng cơ chế”, ông Thơ nói.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Thận trọng trong vay, sử dụng vốn ODA - ảnh 3
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng kiến nghị tăng số bàn casino để tăng ngân sách TP
 

Sớm gắn hình ảnh Đà Nẵng với APEC để quảng bá

Liên quan đến Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đây là cơ hội để Đà Nẵng phát triển về kinh tế xã hội, hạ tầng cơ sở, đưa Đà Nẵng ra bên ngoài. “TP cần phải hết sức tận dụng cơ hội này để thu hút du lịch, quảng bá hình ảnh”, Phó thủ tướng nói và chỉ đạo, TP cần khẩn trương gắn hình ảnh Đà Nẵng với APEC để quảng bá văn hóa, sản phẩm du lịch…

Theo Hoàng Sơn (Thanh Niên Online)

Nổi bật