Sáng nay (17/11), tại Hội thảo về năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (CMCN 4.0) do Bộ Ngoại giao tổ chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt ra nhiều thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong bối cảnh này.
Theo Phó Thủ tướng, cuộc cách mạng với trung tâm là một thế giới siêu kết nối số đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới.
“Với cách tiếp cận phù hợp, cộng đồng thu nhập thấp cũng có khả năng tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả mà cuộc cách mạng này mang lại” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.
Trên thực tế, nhiều khả năng, chỉ số kết nối của Việt Nam trong những năm tới sẽ được cải thiện, là nền tảng thuận lợi để những mô hình kinh doanh mới, dựa trên kết nối số phát triển nhanh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức về nâng cao năng lực tranh và phát triển bao trùm cho Việt Nam.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn chứng về thay đổi mô hình kinh doanh, tự động hóa gây ra xáo trộn, chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn như đang xảy ra với các hãng taxi hay các công ty sử dụng nhiều lao động trong các ngành sản xuất, chế tạo ở Việt Nam.
“Những mô hình kinh doanh dựa trên các nền tảng số xuyên quốc gia đặt ra vấn đề về nghĩa vụ tài chính, cạnh tranh công bằng mà câu chuyện gần đây về taxi truyền thống và taxi công nghệ là ví dụ điển hình.
Đảm bảo cạnh tranh công bằng, chủ quyền quốc gia, quản lý nhưng không hạn chế quá trình phát triển, luôn là những câu hỏi đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, thế giới ngày nay là thế giới của công nghệ và sáng tạo, một nước đi sau có thể có lợi thế hơn nếu biết học hỏi, lựa chọn hướng đi và tiến nhanh lên phía trước.
“Chỉ có đi trước theo những lựa chọn của riêng mình mới thay đổi được thứ hạng. Muốn đi trước đầu tiên phải tạo được môi trường cho cái mới. Làm được như vậy, Chính Phủ Việt Nam tin tưởng rằng cơ hội của đất nước trong cuộc CMCN 4.0 là rất lớn” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.
Lãnh đạo Chính phủ thông tin, Uber - công ty thường được nhắc tới như ví dụ tiêu biểu trong CMCN 4.0, đã phải “quy phục” tại thị trường Trung Quốc cho Didi Chuxing - một đối thủ địa phương, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt bởi Grab tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.
“Có thể thấy, để thành công, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp cần đưa ra giải pháp, cách tiếp cận riêng và tạo ra sự khác biệt. Biết phát hiện vấn đề và có một tầm nhìn khác biệt là vô cùng quan trọng để đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên phía trước trong bối cảnh ngày nay” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)