Thực tế này được nêu tại cuộc họp Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì sáng 9/1.
Theo báo cáo, đã có 47 thủ tục được đưa vào diện một cửa quốc gia, tăng 64% so với năm 2016 và sắp nâng lên 60 thủ tục trong thời gian tới.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh cho hay, năm 2017 thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ xuống 55 giờ; hàng nhập khẩu giảm 6 giờ xuống 56 giờ.
Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD (xuất, nhập khẩu) tính tới 15/12/2017. Theo tính toán, doanh nghiệp tiết kiệm hơn 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai thủ tục thông quan; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ lưu kho bãi hàng nhập khẩu.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả này còn xa so với mục tiêu khi mới chỉ thực hiện được một phần năm kế hoạch năm 2017. Dẫn thực tế có những mặt hàng chịu sự kiểm tra của 3 Bộ (vừa kiểm tra động vật, thực vật, kiểm tra hoá chất vô cơ, hữu cơ…), lãnh đạo Chính phủ cho rằng, thực tế có hiện tượng một số lĩnh vực Bộ nào cũng nhúng tay vào, gây chồng chéo.
“Nếu đi vào chống gian lận thương mại thì Chính phủ hoan nghênh, nhưng phải thực chất. Không được lấy lý do chống gian lận thương mại để níu giữ quyền lực của hải quan, cơ quan kiểm tra; tiếp tục gây nhũng nhiễu trong xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tinh thần hiện giờ không phải tháo gỡ khó khăn mà tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chống gian lận thương mại”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa khảo sát mức độ hài lòng của hơn 1.000 doanh nghiệp về hải quan khi triển khai cơ chế một cửa quốc gia. Theo đó, 25% doanh nghiệp cho biết làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành khó và rất khó, 67% bình thường và chỉ 8% cho biết dễ...
Vì thế để đạt mục tiêu Nghị quyết 01 Chính phủ đặt ra năm 2018 giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện kinh doanh thì còn rất nhiều việc phải làm, cần tăng tốc triển khai hệ thống một cửa quốc gia. Phó thủ tướng yêu cầu nêu rõ “địa chỉ” hạn chế, thủ tục chồng chéo nằm ở Bộ, ngành, cơ quan nào.
Ngành y tế, công thương và nông nghiệp bị "bêu" tên
Ông Nguyễn Văn Cẩn – Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thực tế thống kê của cơ quan thường trực, 100 danh mục kiểm tra chuyên ngành thì 50% không có tiêu chuẩn, quy chuẩn và tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ đạt 0,014%. Trong số các Bộ, ngành thì 3 Bộ bị điểm danh còn nhiều thủ tục không có quy chuẩn, tiêu chuẩn nhiều nhất là Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng việc Bộ bị "bêu" tên là chưa hợp lý. Theo ông, trong điều kiện kinh tế hạn hẹp, Bộ Công Thương đã hoàn thành 6 thủ tục kết nối hệ thống nột cửa quốc gia, 1 thủ tục được bổ sung năm 2017 và dự kiến 5 thủ tục sẽ đưa vào hệ thống này năm 2018. Trước nay doanh nghiệp than phiền vướng thủ tục trong kiểm tra dán nhãn năng lượng thì đã chuyển sang hậu kiểm, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, kiểm tra fomadehit trong sản phẩm dệt may, sợi... đã được bãy bỏ.
“Những tiếng kêu trước đây với Bộ Công Thương không còn, không hiểu thông tin ở đâu cho rằng doanh nghiệp vẫn phải bôi trơn để hoàn thiện thủ tục liên quan tới Bộ”, Thứ trưởng Khánh trần tình. Ông cho rằng về phía doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ quy định Nhà nước trước khi làm thủ tục.
Nói rõ hơn về thống kê của cơ quan thường trực, ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, việc bỏ 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành không phải là cắt cơ học mà tiêu chuẩn, quy chuẩn đưa ra phải hợp quy, nếu không, theo ông không cần đưa vào danh mục.
Ông cho biết, sau cuộc họp giữa năm 2017 cơ quan thường trực đã có văn bản đốc thúc các Bộ, ngành báo cáo nhưng “tới hôm qua vẫn chưa nhận được báo cáo của các Bộ, trong đó có Bộ Công Thương”.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng nhấn mạnh, năm 2018 phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới theo đăng ký cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
Các Bộ, ngành phải giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30 - 35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15% nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song vẫn phải đảm bảo hiệu quả trong quản lý Nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các Bộ tiếp tục rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo. Tương tự, các Bộ cần bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng nhập khẩu và theo người nhập khẩu. Đồng thời, danh mục phải kiểm tra chuyên ngành ngay tại khâu thông quan phải được thu hẹp và chuyển sang quản lý rủi ro, hậu kiểm, hướng tới kiểm tra tại nguồn, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra chuyên ngành, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành...
Theo Anh Minh (VnExpress.net)