Đây là con số do Phó Thống đốc công bố tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 3/1.
Phó Thống đốc thông tin, năm qua, tăng trưởng tín dụng là 13,5% - thấp hơn so với kỳ vọng 14% đề ra đầu năm, do nền kinh tế có những khó khăn nên cầu tín dụng chắc chắn giảm thấp song "13,5% cũng là một con số hết sức tích cực".
“Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự quyết liệt của ngành ngân hàng trong cả năm vừa qua, nhất là giai đoạn cuối năm”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói và cho hay, nếu như đến 28/12/2023 tín dụng tăng khoảng 13%, thì đến hết 31/12/2023 tín dụng tăng tối thiểu 13,5%.
Theo Phó Thống đốc, năm qua, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, góp phần ổn định vĩ mô. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đạt 5,5% trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn chưa có tiền lệ.
Giá trị VND tiếp tục được giữ vững, chỉ mất giá khoảng 2%, trong khi nhiều nước lớn giá trị đồng tiền mất đến hơn 10%.
Năm 2023, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay. Đến thời điểm này, lãi suất cho vay đã xuống rất thấp, kể cả đối với lĩnh vực không thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Đây là mức lãi suất thấp nhất trong 20 năm vừa qua trong bối cảnh lãi suất đầu năm 2023 là vấn đề rất gay gắt.
“Lãi suất có độ trễ nhất định, Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo và các ngân hàng thương mại đã hưởng ứng tích cực chỉ đạo này, mặc dù các ngân hàng có quyền cho vay với lãi suất cao hơn”, ông Tú nói.
Năm 2023, tỷ giá linh hoạt, nhiều giải pháp chính sách tín dụng đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Nhiều chương trình tín dụng được triển khai góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia.
Trước khó khăn của nền kinh tế, ngành ngân hàng đã dồn lực cả về mặt cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường BĐS. Đặc biệt hướng vào phân khúc BĐS dành cho người có thu nhập thấp.
Ông Tú cũng thông tin gói tín dụng 15.000 tỷ hỗ trợ tiêu thụ lâm, thuỷ hải sản đã giải ngân được 11.000 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giá rẻ cho nhiều doanh nghiệp.
“NHNN không có giới hạn nào đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kể cả lãi suất hay hạn mức tín dụng cũng như cơ chế, chính sách. Thậm chí đến bây giờ lãi suất cao nhất cũng chỉ 4%/năm nếu đúng đối tượng ưu đãi,” ông nói.
Tín dụng năm 2024 sẽ tăng 15%
Ông Đào Minh Tú cho biết, năm 2024 lãi suất ngân hàng vẫn sẽ duy trì mức thấp. Ngoài ra, NHNN tập trung vào một số định hướng, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thậm chí, ông Tú cho hay có thể sẽ tăng lên 16% tuỳ tình hình thực tế.
NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về việc tái cơ cấu 3 ngân hàng “0 đồng” và ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt, theo Phó Thống đốc, các ngân hàng này vẫn đang duy trì ổn định, từng bước tái cơ cấu. Quan điểm của NHNN là từng bước xử lý để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và đảm bảo duy trì ổn định của các ngân hàng này. NHNN đặt ra lộ trình năm 2024 sẽ quyết liệt cao hơn nữa trong việc tái cơ cấu các ngân hàng này.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)