Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát

12/01/2023 13:35:15

Nói về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà khẳng định không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà

Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tỉ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

"Hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này."- Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Trước đó, hát biểu tại chương trình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 ngày 11-1 vừa qua, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết mục tiêu quan trọng nhất của điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, còn cách thức, công cụ điều hành thì rất linh hoạt, tùy từng thời điểm thị trường để tùy cơ ứng biến đưa ra các giải pháp, chính sách, lộ trình phù hợp để vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không lơ là với rủi ro lạm phát.

Theo Vụ trưởng Phạm Chí Quang, xét tỉ lệ tín dụng/GDP, hiện nay Việt Nam đã đạt 124%, là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, còn Moody’s thì cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là mức cao nhất của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm Ba và Baa. Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tiến tới xấp xỉ 12 triệu tỉ đồng, đó là một con số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp.

Để phát triển kinh tế - xã hội, phải khơi thông và tạo được sự kết nối, phát triển đồng bộ của tất cả các nguồn vốn này, mà trong đó tín dụng ngân hàng được xem là hạt nhân là mạch máu kết nối các nguồn vốn này.

Tuy nhiên, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng nên trong bối cảnh thị trường thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản biến động phức tạp, khó lường, có dấu hiệu thu hẹp, thì càng gây áp lực lớn lên cân đối vốn tín dụng ngân hàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ không chỉ trong năm 2022 mà cả trong năm 2023 tới đây. Ngoài ra, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng gia tăng sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế lên tín dụng ngân hàng.

Theo Dương Ngọc (Nld.com.vn)

Nổi bật