Phiên livestream chốt đơn 75 tỷ 'chấn động': Vì sao chưa tiết lộ tỷ lệ hủy đơn?

08/03/2024 08:40:29

Chỉ sau 13 tiếng livestream bán hàng, chủ kênh TikTok Quyền Leo Daily thông báo doanh thu đạt hơn 75 tỷ đồng khiến cộng đồng mạng xôn xao, cùng không ít hồ nghi. Bởi, con số này ngang ngửa doanh thu một hệ thống siêu thị có gần 4.000 cửa hàng.

Doanh thu phá kỷ lục liên tục hay là "chiêu trò" marketing?

Cộng đồng mạng vẫn chưa hết xôn xao khi chủ kênh TikTok Quyền Leo Daily vừa khoe doanh thu đạt trên 75 tỷ đồng sau hơn chục tiếng livestream bán hàng. Trước đó, trên fanpage Quyền Leo Daily cũng liên tục cập nhật thông tin “phá kỷ lục” doanh thu từ các phiên live khi lần lượt vượt qua các mốc 10 tỷ, 20 tỷ, 30 tỷ đồng... chỉ sau vài giờ.

Cách đây khoảng 1 tuần, kênh TikTok Quyền Leo Daily đã tổ chức sự kiện bán hàng trực tuyến thông qua phương thức livestream kéo dài hơn 13 tiếng đồng hồ. Trong phiên livestream từ 11h đến 23h55’, tài khoản này đã giới thiệu 95 loại sản phẩm gồm mỹ phẩm, trang sức, đồ điện tử, thời trang... của 50 thương hiệu khác nhau.

Phiên livestream thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Thậm chí, cao điểm đạt hơn 26.000 lượt người xem và duy trì mức tương tác cao nhờ vào loạt ưu đãi hấp dẫn. 

Phiên livestream chốt đơn 75 tỷ 'chấn động': Vì sao chưa tiết lộ tỷ lệ hủy đơn?
Quyền Leo Daily thông báo doanh thu sau phiên livestream bán hàng. Ảnh chụp màn hình.

Theo đó, Quyền Leo Daily tung ra 3.000 deal giảm giá chỉ 1k (1.000 đồng), cùng với voucher có giá trị lên đến 2 triệu đồng cho những người đăng ký theo dõi sự kiện; chương trình khuyến mãi mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, deal độc quyền mua 1 tặng 5, combo sản phẩm với giá ưu đãi...

Nhiều sản phẩm trong phiên livestream được giảm giá sâu đến hơn 70%. Ngoài ra, TikTok Shop cũng cung cấp nhiều ưu đãi khác, bằng các voucher được phát hành theo từng tài khoản, giúp người mua tiết kiệm đến 700.000 đồng cho mỗi đơn hàng.

Với những ưu đãi hấp dẫn được đưa ra, người xem ồ ạt “chốt đơn”. Doanh thu của kênh TikTok Quyền Leo Daily tăng theo chiều thẳng đứng. Chỉ trong 15 phút đầu tiên của phiên livestream, kênh này đã thu về 4 tỷ đồng. Sau 30 phút, doanh thu đạt con số 6 tỷ đồng và sau một tiếng kênh cho biết đã thu về 10 tỷ đồng.

Chốt phiên live kéo dài hơn 13 tiếng, doanh thu vọt lên 75 tỷ đồng. Đây là con số mà bất cứ KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn) nào cũng muốn đạt được khi theo đuổi con đường livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Doanh thu từ phiên livestream của kênh TikTok Quyền Leo Daily khiến một chuyên gia marketing phải thốt lên: “Con số quá khủng của một phiên livestream. Nếu đúng thì nó bằng doanh thu của cả một hệ thống siêu thị có gần 4.000 chi nhánh trên toàn quốc”.

Nhiều người cũng sửng sốt, bởi chỉ một phiên livestream bán hàng mà doanh thu có thể đạt tới con số tới vài chục tỷ đồng. Trong đó, không ít người đặt nghi vấn đơn ảo, chiêu trò marketing…  

PV VietNamNet liên lạc với đại diện kênh Quyền Leo Daily về tỉ lệ đơn hàng thành công thực tế, khách chuyển khoản nhận hàng, tuy nhiên chưa nhận được hồi âm.

Chia sẻ trên Nhịp sống thị trường, anh Lã Quốc Quyền (chủ kênh TikTok Quyền Leo Daily) cho biết, hiện tỷ lệ hủy đơn của phiên livestream vừa qua chưa đong đếm được chính xác, cần khoảng vài ngày sau phiên livestream mới có con số cụ thể.

Theo anh, trong những phiên livestream trước đó, tùy dạng livestream mà tỷ lệ hủy đơn là khác nhau. Đánh giá sơ bộ, tỷ lệ hủy đơn ở phiên livestream vừa rồi ít hơn so với trước đó. Đặc biệt, thống kê của TikTok Shop cho thấy, tỷ lệ người mua mới tăng 160% so với lần live doanh thu cao trước Tết.

Về lý do khách hủy đơn, anh Quyền cho rằng có rất nhiều. Ví như, lúc họ quyết định mua là do cảm xúc chi phối, khi ngẫm nghĩ lại thấy món đồ đó không cần thiết nên hủy đơn, không mua nữa. Hay ban đầu khách đặt chỉ nhận được voucher giảm giá ít, sau đó lại có voucher giảm nhiều hơn nên họ hủy đi và đặt lại nên ảnh hưởng tới tỷ lệ hủy đơn.

"Năm ngoái, chúng tôi giành được giải thưởng TikTok Shop của năm nhờ tỷ lệ đơn thành công cao và tỷ lệ hoàn - tức là đơn đã gửi đi và bị hoàn trở lại - rất thấp", anh chia sẻ.

Những 'chiến thần' livestream 

Thời điểm này năm ngoái, “chiến thần review” Võ Hà Linh ngay lần đầu lên sóng livestream bán hàng trên TikTok đã hút đến 80.000 lượt xem trực tuyến ở thời điểm cao nhất, 11 triệu tim, số lượng đơn hàng chốt tăng không ngừng.

Các sản phẩm cô chưa kịp livestream đã nhanh chóng được bán hết. Chi tiết về số lượng đơn hàng cụ thể không được công bố, nhưng Hà Linh chia sẻ chỉ trong hơn 1 giờ livestream, cô bán hết sạch hàng từ ba nhà máy.

Buổi livestream bán hàng của Hà Linh đã gây tiếng vang lớn.

Hồi tháng 1/2023, "Chúa tể vạn đơn" Phạm Thoại đã bán được hơn 17.900 đơn hàng chỉ trong 6 tiếng livestream. Nam TikToker còn công khai doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng nhờ livestream bán hàng chỉ riêng trên TikTok hồi tháng 9/2022.

Phiên livestream chốt đơn 75 tỷ 'chấn động': Vì sao chưa tiết lộ tỷ lệ hủy đơn? - 1
Túi "Kiến thức, Kinh nghiệm, Trải nghiệm" cũng cháy hàng trên livestream của doanh nhân Thái Công.

Đầu năm nay, doanh nhân Thái Công cũng khiến cộng đồng mạng xôn xao khi mở gian hàng “quý tộc” trên TikTok Shop để bán những sản phẩm có giá rất cao như: rổ trái cây giá gần tỷ đồng; bình hoa pha lê nhập khẩu từ Pháp giá hơn 200 triệu đồng; set trà trắng đen nhập từ Đức giá 50-70 triệu đồng... cho tới dụng cụ gắp đá nhập từ Pháp cũng có giá hơn 12 triệu đồng; ly uống nước hơn 9 triệu đồng... Sau đó là bán túi “Kiến thức, Kinh nghiệm, Trải nghiệm” giá 99k (99.000 đồng).

Vị doanh nhân không công bố doanh thu cụ thể, nhưng túi “kinh nghiệm” được bán livestream và cháy hàng sau một ngày. Thái Công sau đó chuyển sang bán offline ngay tại trụ sở công ty, có thể do giỏ hàng trên TikTok bị tạm khóa sau khi lượng đơn hàng mua túi đạt mức giới hạn mỗi ngày.

Ở nước ta, thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến đang phát triển vượt bậc qua các kênh mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram cùng nhiều sàn giao dịch trực tuyến khác. Với hơn 70 triệu người dùng Internet, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có lượng người dùng Internet lớn trên thế giới.

Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric cho thấy, trong năm 2023 doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo đạt trên 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.

Livestream và bán hàng đa kênh ngày càng thịnh hành. Combo sản phẩm là xu thế được người tiêu dùng ưa chuộng khi mua sắm, bởi giá cả phải chăng, tiết kiệm chi tiêu.

Các phiên livestream đạt doanh thu tiền tỷ xuất hiện ngày càng nhiều. Song, lượng đơn hàng thực tế, tỷ lệ giao hàng thành công bao nhiêu vẫn còn là ẩn số, hầu như không người bán nào tự tin chia sẻ.

Theo Tâm An (VietNamNet)