Phí cầu đường BOT: Giảm nhỏ giọt khi con số đầu tư vẫn là… bí mật?!

11/07/2016 10:46:00

Thông tin Bộ Tài chính làm tờ trình kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để giảm phí BOT cho phương tiện từ 10 - 20% đang thu hút sự chú ý của dư luận vì được cho là mức giảm “nhỏ giọt”

Thông tin Bộ Tài chính làm tờ trình kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để giảm phí BOT cho phương tiện từ 10 - 20% đang thu hút sự chú ý của dư luận vì được cho là mức giảm “nhỏ giọt”. Đại diện Hiệp hội vận tải Việt Nam cho rằng cần công khai các con số kiểm toán về nguồn vốn đã đầu tư của doanh nghiệp BOT để biết được mức giảm đã hợp lý hay chưa?
 Trạm Cầu Bến Thủy là một trong những trạm BOT trên QL1 nằm trong diện kiến nghị giảm phí của Bộ Tài chính. Ảnh C.T
 

29 trạm sẽ giảm phí 10%

Ngày 20/6, Bộ Tài chính gửi Tờ trình số 8302/BTC-CST lên Thủ tướng về việc triển khai Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Một trong những nội dung của tờ trình thu hút sự chú ý của dư luận đó chính là đề xuất các phương án giảm phí qua trạm BOT được Bộ Tài chính đưa ra trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT. Mức giảm đề xuất loại trừ các trạm có mức thu thấp và các trạm thu phí trên đường cao tốc do thu phí kín, mức thu tính theo km xe chạy và người sử dụng có quyền lựa chọn đi đường cao tốc hoặc quốc lộ. Các phương án và nhóm xe nằm trong đề xuất giảm gồm: Mức từ 10 - 15% cho nhóm 4 là xe tải 10 - 18 tấn, xe container 20 feet , nhóm 5 là xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet tại các trạm có mức thu tối đa là 200.000 đồng/lượt. Mức giảm từ 10 - 20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất gồm 2 trạm ở QL 5, hai trạm cầu Bến Thuỷ QL1 và một trạm cầu Gianh QL1.

Riêng với 5 trạm đã thu phí mức cao nhất đã nói ở trên với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng sẽ xem xét giảm 10-20%, đảm bảo tương đồng với mức thu các trạm khác. Về các phương án giảm, giữ phí BOT ở các dự án theo tờ trình của Bộ Tài chính, Bộ GTVT cho rằng không điều chỉnh mức phí với các trạm thu phí thu trước năm 2014 do mức thu thấp từ 10.000 - 20.000 đồng/lượt. Xem xét giảm phí với các loại xe vận tải có tải trọng lớn, mức thu đang ở mức tối đa trong khung mức phí quy định. Với các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đề nghị không điều chỉnh mức phí do mức phí được tính trên số km thực tế, người dân không đi cao tốc vẫn có quyền lựa chọn đi quốc lộ.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 7/7 lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, 29 trạm thu phí BOT có thể sẽ giảm mức thu 10% ngay từ 1/8 sau khi Chính phủ phê duyệt đề xuất của liên Bộ GTVT và Tài chính. Bộ GTVT đã gửi thông báo tới các trạm nằm trong diện đề xuất giảm và mức giảm thống nhất chung là 10% cho 29 trạm trong đó 24 trạm sẽ giảm mức thu đối với xe thuộc nhóm 4, 5 và 5 trạm sẽ giảm phí đối với xe thuộc nhóm 1,2.

Đề nghị công khai mức đầu tư của các dự án BOT

Về vấn đề kiến nghị giảm phí BOT của liên Bộ Tài chính – GTVT, đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, các doanh nghiệp, hiệp hội không được hỏi ý kiến khi các đơn vị trình tờ trình về giảm phí nêu trên. Và việc giảm phí 10% theo ông Thanh chỉ là để trấn an dư luận (!?) Trước câu hỏi về việc mức giảm bao nhiêu là “chuẩn”? Ông Thanh khẳng định đây là câu hỏi khó và: “Cái này cần phải có các chuyên gia”. Theo ông Thanh, mức giảm chỉ 10% thì doanh nghiệp chưa đồng tình. “Việc đưa ra con số giảm này thì dựa trên cơ sở nào? Đề nghị Bộ Tài chính phải công khai từng tổng mức đầu tư của các dự án BOT sau khi đã kiểm toán. Đến nay người dân, dư luận không biết cơ sở nào để đưa ra mức đề xuất giảm là từ 10-15%. Cơ sở để tính giảm có dựa trên thực tế sự gia tăng phương tiện, tăng nguồn thu để giảm thời gian thu của mỗi dự án BOT hay không. Càng minh bạch thì người dân và dư luận càng dễ hiểu và cảm thông. Ở đây, người dân không có khả năng và điều kiện để tính toán xem mức giảm bao nhiêu % là phù hợp. Chỉ có nhà nước với đầy đủ các cơ quan quản lý chuyên môn mới có khả năng để tính ra con số này một cách xác thực” – ông Thanh kiến nghị.

Về vấn đề thu, chi của các trạm BOT, đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam yêu cầu cần phải có phương pháp để giám sát chặt chẽ bởi việc thu chi thiếu giám sát sẽ gây thất thoát và kéo dài thời gian thu phí. Ông Thanh ví dụ một trường hợp điển hình đó là việc các nhà đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ “tố nhau” về tính minh bạch trong thu chi. Đây cũng là vấn đề người dân quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền và quyền lợi của dân. Cũng theo thông tin từ Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cung cấp, vừa qua Tổng Cục đường bộ Việt Nam thực hiện kiểm tra một dự án BOT nhưng đến nay vẫn không ra được văn bản kết luận vì kiểm tra không… xong. Hiệp hội cho rằng, có thể thẩm quyền của Tổng cục không kiểm tra nổi hoặc do khó quá nên không ra kết quả. “Một dự án bé cỏn con còn kiểm tra không ra thì hàng chục dự án khác thì như thế nào” – ông Thanh đặt câu hỏi.

Tiền phí nhiều hơn tiền xăng

Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các dự án BOT vừa qua là đột phá trong ngành giao thông, có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển hệ thống hạ tầng. Tuy nhiên, BOT cũng đang tồn tại nhiều hạn chế cần phải chấn chỉnh. Trong đó, việc đặt trạm thiếu hợp lý là một nguyên nhân gây bức xúc. Ví dụ như trạm Hạc Trì (Việt Trì), trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài… Cự ly đặt trạm gần nhau quá, giá thu phí lại cao. Có trạm tiền phí còn nhiều hơn tiền xăng, phí tăng thì chi phí sẽ đổ lên đầu dân vì vận tải không ai chịu lỗ. Và vấn đề cuối cùng là phí chồng phí.


Theo Minh Anh (Gia Đình & Xã Hội)

Nổi bật