Mới đây, trạm BOT Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình và trạm Mỹ Lộc trên Quốc lộ 21 qua tỉnh Nam Định đã là trạm điều chỉnh mức thu phí đường bộ qua trạm. Việc tăng phí này được giải thích là “đúng quy trình”, trong khi đó Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị BOT có báo cáo về việc này.
Theo đó, mức thu thấp nhất là 35.000 đồng/vé/lượt xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt (xe thuộc nhóm 1) và cao nhất là 200.000 đồng/vé/lượt đối với xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet (nhóm 5). Đơn vị quản lý thu phí trên tuyến đã áp dụng mức thu phí theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính ngày 18/8/2015.
Cũng thực hiện tăng phí đường bộ, Công ty CP Tasco đã điều chỉnh phí qua trạm thu phí Mỹ Lộc trên tuyến Quộc lộ 21 tỉnh Nam Định, mức phí mới áp dụng từ ngày 8/1/2017.
Xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt qua trạm có mức thu từ 20.000 đồng tăng lên 35.000 đồng/lượt; xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet tăng phí từ 160.000 đồng/lượt lên 200.000 đồng/lượt.
Trạm thu phí Lương Sơn - Hòa Bình thực hiện thu phí từ tháng 10/2015, lúc đó đã vấp phải sự phản đối của người dân do mức phí cao. Nay, trạm này vừa thực hiện tăng phí theo "lộ trình" (ảnh: Báo Đầu tư) |
Trao đổi với PV, đại diện Công ty CP Tasco cho biết, việc tăng phí qua trạm Mỹ Lộc được thực hiện đúng theo lộ trình và phương án tài chính đã được duyêt. Theo vị này, việc tăng phí được phép áp dụng từ năm 2016, nhưng theo Nghị quyết 35 của Chính phủ về việc tạm dừng thu phí nên quá trình này đã không được thực hiện.
“Chúng tôi tăng phí đúng theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính ngày 18/8/2015, áp dụng việc tăng phí này là đúng lộ trình” - đại diện Tasco khẳng định.
Liên quan đến việc tăng phí của 2 trạm BOT nói trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho PV Dân trí biết: Bộ GTVT đã yêu cầu 2 chủ đầu tư có báo cáo về Bộ, Bộ sẽ xem xét và đánh giá tác động của việc tăng phí, cùng đó có các phương án điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho hay, theo hợp đồng BOT, các chủ đầu tư được phép tăng phí theo lộ trình để hoàn vốn, tuy nhiên năm 2016 thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu không tăng phí, các chủ đầu tư dự án BOT đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT. Cùng đó, thời gian qua đã có nhiều trạm BOT thực hiện giảm phí sau khi Bộ GTVT rà soát.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)