Ngày 24/7, Sở Công Thương TP.HCM có hướng dẫn gửi đến UBND TP. Thủ Đức và các quận - huyện về phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối, điểm bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Sở đồng thời đã đưa ra sơ đồ tham khảo về bố trí các gian hàng kinh doanh tại , điểm bán nhỏ.
Theo đó, sơ đồ mở chợ gồm các chủng loại mặt hàng như: thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả, trứng và thủy hải sản chia thành các gian.
Khách đến đi chợ vào một lối và ra bằng lối đi khác theo dạng “đường 1 chiều”. Trước lối đi vào là khu vực kiểm tra đo thân nhiệt, khai báo y tế. Người mua hàng sẽ cách nhau tối thiểu 2m.
Các gian hàng cách nhau tối thiểu 2m, được trang bị vách ngăn trong suốt ba mặt để tránh tiếp xúc giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán hàng và người mua.
Dựa vào sơ đồ trên, các chợ truyền thống, điểm bán nhỏ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí, sắp xếp phù hợp và đảm bảo tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng đưa ra phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng "thẻ đi chợ" để kiểm soát số lượng người đi chợ. Phân bổ số người đến theo khung giờ, hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.
Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần, theo đó mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày
Riêng các khu vực phong tỏa, người dân mua thực phẩm thiết yếu tại siêu thị, chợ trong khu vực phong toả với tần suất 2 lần/tuần và sử dụng phiếu do chính quyền địa phương cấp.
Với tiểu thương, đơn vị quản lý chợ, Sở Công Thương yêu cầu ký cam kết thực hiện tuân thủ hướng dẫn về phòng chống, dịch Covid-19 và các điều kiện đảm bảo an toàn. Trường hợp chợ truyền thống phát hiện nguy cơ lây nhiễm thì cần rà soát, khắc phục để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Các chợ phải báo cáo việc triển khai mô hình trên về Sở Công Thương TP.HCM trước ngày 30/7.
Đối với các chợ đầu mối (Thủ Đức và Hóc Môn) sẽ tổ chức các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tạm thời theo phương án đã được phê duyệt, tuân thủ các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu.
Tính đến chiều 24/7, TP.HCM còn 32/237 chợ hoạt động. 205 chợ tạm ngưng, trong đó có 3 chợ đầu mối và 202 chợ truyền thống.
Cà Mau: Đi chợ hộ các gia đình neo đơn
UBND tỉnh Cà Mau vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Trần Hồng Quân tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch.
Theo đó, các UBND các xã, phường, thị trấn triển khai, đối với những người kinh doanh, đặt hàng qua điện thoại, qua mạng có giao hàng tận nơi: chỉ cho phép những hộ kinh doanh có giấy phép đăng ký kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Các dịch vụ mua bán hàng rong, thức ăn đường phố là các mặt hàng thiết yếu như: bánh mì, xôi, rau, củ, quả, thức ăn,... được phép hoạt động, nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Quân chỉ đạo, đối với hộ gia đình neo đơn, không thể tự đi mua sắm các mặt hàng thiết yếu, UBND xã, thị trấn tổ chức phân công lực lượng hỗ trợ khi cần thiết. Công khai số điện thoại để người dân chủ động liên hệ khi cần hỗ trợ.
Theo Quảng Định (VietNamNet)