Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng (NHNN) Nhà nước Đào Minh Tú, mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực đa dạng hóa sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên một số bộ phận người dân còn vay tiền từ “tín dụng đen” do để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp (cờ bạc, ma tuý, kinh doanh phi pháp,...) hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng.
Tình trạng các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng sang sử dụng công nghệ cao khiến việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các diễn biến mới của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen sẽ gặp nhiều trở ngại.
Việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, nhất là trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng điện thoại (app), website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi,...
Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng Án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, trong năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị 12, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng.
“Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc... Các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền.", Trung tá Đỗ Minh Phương cho hay.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen) đạt trên 2,48 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 9,2% so với cuối năm 2020 và tăng 32,8% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12.
Về giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề xuất, Bộ Công an có giải pháp phù hợp cho phép sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của tín dụng đen”.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm phối hợp với ngành công an, ngành ngân hàng đa dạng hoá các phương thức tuyên truyền, phổ biến, để bà con hiểu rõ các chính sách, chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động tín dụng đen.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)