Xung quanh dự thảo Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính đang được công chúng rất quan tâm, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về những đề xuất được đưa ra.
Đánh thuế tài sản, đã nghĩ tới đời sống người dân?
Chào ông, như ông đã biết, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Các doanh nghiệp, cá nhân chỉ được cấp quyền sử dụng đất chứ không cấp quyền tài sản. Theo ông, việc đánh thuế tài sản với đất, nhà liệu có hợp lý?
Điều 53, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Người dân chỉ có quyền sử dụng đất và chỉ có thể đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng những tài sản trên đất là tài sản của người dân, họ có quyền sở hữu. Ở đây, đối với thuế tài sản với đất có thể hiểu là đánh vào quyền sử dụng đất, với thuế tài sản nhà là đánh vào quyền sở hữu nhà.
Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là có nên đánh thuế tài sản hay không? Người dân ở căn hộ chung cư vốn đã chịu rất nhiều loại chi phí rồi, giờ phải chịu thêm thuế tài sản nhà nữa tôi e họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tiếp nữa, cách đánh thuế như thế nào, mức đánh thuế là bao nhiêu phần trăm? Nếu muốn thí điểm thì nên để mọi người quen với thuế tài sản, áp dụng mức thuế suất thấp mới có thể thu được.
Ông đánh giá như thế nào về đề xuất đánh thuế tài sản với nhà từ 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng trở lên với mức thuế suất 0,3 - 0,4% trong bối cảnh thu nhập bình quân của người Việt Nam còn đang ở mức khá thấp?
Trước hết, cần phải đặt câu hỏi mục đích ban hành chính sách thuế này là gì, tính toán thu như vậy liệu có đạt được mục tiêu không? Từ đây, mới có thể trả lời việc ban hành Luật Thuế tài sản xuất phát từ nhu cầu về nguồn thu ngân sách hay bảo đảm sự công bằng giữa người nghèo, thu nhập thấp với những người sở hữu nhiều tài sản lớn. Hoặc vì tình trạng đầu cơ nhà, đất nên phải đánh thuế tài sản.
Hiện nay, việc thu thuế tài sản ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển là một xu hướng, nhiều nơi đã áp dụng sắc thuế này. Song không phải nơi nào cũng vậy, các quốc gia xung quanh Việt Nam, trừ Thái Lan, Indonesia, Singapore... còn lại đều không áp dụng sắc thuế này.
Phải đặt câu hỏi mục tiêu đánh thuế tài sản là gì và tác động của sắc thuế này như thế nào?
Với mức chịu thuế như vậy, trong bối cảnh thu nhập bình quân của người Việt Nam còn thấp, ngoài phải lo cho đời sống hàng ngày còn phải chịu thêm thuế tài sản liệu có bảo đảm được cuộc sống không?
Ví dụ, khi sống trong một căn chung cư. Ngoài các khoản tiền dịch vụ phải đóng, người dân còn phải chịu nhiều khoản khác. Phí phòng cháy chữa cháy cũng không hề nhỏ. Vậy nên, cần xem xét lại việc đánh thuế tài sản một cách thận trọng.
Về mức đóng thuế và cách đóng. Cũng phải đánh giá chúng ta đã đủ điều kiện thực thi chưa?
Hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất của Việt Nam chưa được cập nhật đầy đủ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang xây dựng, hệ thống đánh giá nhà đất chưa có. Rõ ràng là thực hiện rất khó. Nếu giờ muốn đánh thuế, phải định giá toàn bộ các nhà.
Ở các quốc gia khác, bất kỳ ai sở hữu nhà đều phải chịu thuế. Nếu nhà dưới 700 triệu đồng không phải chịu thuế, giả sử tôi sở hữu 3 căn nhà dưới mức giá này, còn người khác chỉ sở hữu 1 căn nhà giá trên 1 tỷ đồng thì việc đánh thuế tài sản nhà với họ là vô lý.
Dùng giá 7,3 triệu đồng/m2 để tính thuế nhà quá vô lý!
Với ngưỡng đánh thuế của Bộ Tài chính là trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng. Ông có lo lắng điều này sẽ làm giảm cơ hội mua nhà của người thu nhập trung bình và thấp trong xã hội?
- Mục tiêu của thuế nhằm tái phân phối thu nhập, hay nhằm điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo sự công bằng. Không thể dựa vào hiện vật để đánh thuế mà phải dựa trên cơ sở giá trị.
Bộ Tài chính dựa trên quy định của pháp luật về xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2 để tính thuế là vô lý. Giá trị nhà ở phải căn cứ theo giá thị trường. Một căn nhà nhỏ diện tích chỉ 15 - 20m2 nhưng nằm ở khu vực trung tâm Hà Nội thì giá trị phải khác một căn nhà cùng diện tích nằm ở vùng sâu, vùng xa. Cách tính thuế này không công bằng, không phản ánh đúng giá thị trường.
Giá đất ở những vị trí đắc địa hay khu vực trung tâm, mỗi m2 đất có giá trị gấp hàng chục, hàng trăm lần nơi khác. Nếu cứ dựa vào định mức xây dựng để tính thuế là không chính xác. Giá trị nhà ở phải căn cứ trên giá trị thị trường chứ không phải giá trị xây dựng.
Cách tính thuế tài sản với nhà, đất của Bộ Tài chính cũng đồng thời làm mất cơ hội mua nhà của nhiều đôi vợ chồng trẻ. Bản thân một ngôi nhà, căn hộ, mảnh đất vốn đã chịu rất nhiều loại thuế. Khi một gia đình chuyển vào sống tại căn hộ chung cư, họ lại phải chịu thêm rất nhiều loại phí dịch vụ.
Làm một phép tính đơn giản, ở các quốc gia khác, giá nhà gấp 4 - 5 lần so với thu nhập bình quân của người dân. Nhưng ở Việt Nam, khoảng cách này là gấp 20 - 25 lần. Đó là một quá trình dài làm việc, tích lũy, sau đó khi mua cũng phải vay mượn bạn bè, người thân. Việc áp một mức thuế suất cao như vậy (từ 03 - 0,4%) tôi e sẽ làm thui chột ý định mua nhà của nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh thị trường BĐS mới khôi phục lại trong 1, 2 năm gần đây.
Ông đánh giá như thế nào về cách tính thuế tài sản nhà theo suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành, phân loại thành các cấp, hạng nhà?
- Ở đây, giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá 1m2 đất tính thuế. Giá 1m2 đất tính thuế là giá 1m2 đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Nhưng rõ ràng giá 1m2 đất tính thuế chưa theo sát biến động giá trên thị trường.
Nhưng ở một nền kinh tế thị trường, phải tính thuế tài sản theo giá trị thực tế trên thị trường. Không thể đánh theo chi phí thực tế. Anh xây một căn biệt thự, nhà cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4 hết bao nhiêu tiền, đó là chi phí thực tế. Còn thực tế, anh sở hữu một căn nhà cấp 2 ở khu đất “vàng”, giá trị vẫn có thể gấp 10 lần một căn nhà cấp 1 nằm ở vị trí xa trung tâm. Cách tính thuế dựa vào định mức chi phí thực là không công bằng.
Việc tính toán chi phí thực để sau này tính toán, phân chia phần chi phí bỏ ra khi 2 hay nhiều người cùng góp tiền xây chung một căn nhà. Mỗi một mục đích tính toán giá trị nhà vào mục đích bảo hiểm, cho vay, cho thuê lại phải tính theo một cách khác nhau và cho ra một mức giá khác nhau.
Đề xuất mức tính thuế tài sản của Bộ Tài chính là quy định chung trên toàn quốc. Trong trường hợp cần áp dụng mức thuế suất cao hơn, HĐND cấp tỉnh lại được phép điều chỉnh tăng tối đa không quá 50% mức quy định chung. Điều này có thể khiến việc đánh thuế tài sản tại mỗi tỉnh thành sẽ khác nhau. Ông nhận định thế nào về cơ chế linh hoạt của Luật thuế tài sản?
- Vừa rồi, chúng ta có tiến hành thí điểm đánh thuế tài sản ở TP.HCM theo quan điểm đánh thuế bình quân tất cả mọi người. TP.HCM, Hà Nội hay các đô thị lớn khác đều là nơi dân cư đông đúc, hoạt động đầu cơ diễn ra quy mô lớn, giá nhà rất cao.
Ở đây, các địa phương có thể áp dụng mức thuế suất cao hơn theo quyết định của HĐND tỉnh. Điều này có nghĩa địa phương tùy vào điều kiện của mình để áp dụng mức thuế nhưng thực tế làm như vậy khá tùy tiện, là “phép vua thua lệ làng” và không hoàn toàn đúng. Ở các nước khác, từng khu vực khác nhau áp dụng những mức thuế khác nhau. Thậm chí, ở Mỹ, có thành phố còn tính thuế với nhà, đất theo từng khu vực. Khu vực thuế suất cao chỉ dành cho người có tiền. Điều này khuyến khích người ta không tên chen chúc, tập trung sinh sống tại một khu vực quá đông.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hoàng Thắng (Dân Việt)