Petrolimex xin tăng thu nhập cho các sếp lên hơn 9 tỷ đồng năm 2017

15/04/2017 10:47:00

Hội đồng quản trị (HĐQT) của Petrolimex đang dự thảo tờ trình đại hội đồng cổ đông được nâng quỹ tiền lương và thù lao của HĐQT năm 2017 lên 9,17 tỷ đồng (tăng 31% so với năm 2016) và của Ban kiểm soát sẽ là 4,37 tỷ đồng (tăng gần 25%). Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2017 lại giảm chỉ bằng 74,3% so với thực hiện của năm 2016.

Hội đồng quản trị (HĐQT) của Petrolimex đang dự thảo tờ trình đại hội đồng cổ đông được nâng quỹ tiền lương và thù lao của HĐQT năm 2017 lên 9,17 tỷ đồng (tăng 31% so với năm 2016) và của Ban kiểm soát sẽ là 4,37 tỷ đồng (tăng gần 25%). Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2017 lại giảm chỉ bằng 74,3% so với thực hiện của năm 2016.

Năm 2016, HĐQT Petrolimex có 8 thành viên (ông Bùi Ngọc Bảo là Chủ tịch HĐQT) và Ban kiểm soát có 5 thành viên (ông Đinh Viết Tiến là Trưởng ban). Như vậy, mức thu nhập bình quân từ lương và thù lao của các thành viên HĐQT Petrolimex trong năm ngoái đạt khoảng 882,5 triệu đồng/người và của các thành viên Ban kiểm soát là 757,7 triệu đồng/người.

Mức lương và thù lao nói trên được thực hiện theo phương án do ĐHĐCĐ Petrolimex thông qua hồi tháng 6/2016.

Thu nhập các thành viên HĐQT Petrolimex dự kiến sẽ tăng hơn 30% năm 2017

Thu nhập các thành viên HĐQT Petrolimex dự kiến sẽ tăng hơn 30% năm 2017

Tuy nhiên, dự kiến, quỹ thu nhập cho các lãnh đạo tập đoàn này sẽ tăng mạnh trong năm 2017 này. Cụ thể, theo tờ trình của HĐQT dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tới đây, tổng quỹ tiền lương và thù lao của HĐQT năm 2017 sẽ tăng lên 9,17 tỷ đồng (tăng 31% so với năm 2016) và của Ban kiểm soát sẽ là 4,37 tỷ đồng (tăng gần 25%).

Với số lượng thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát giữ nguyên như hiện nay, mức thu nhập bình quân của các thành viên HĐQT sẽ được nâng lên xấp xỉ 1,15 tỷ đồng/người và của các thành viên Ban Kiểm soát sẽ là 874 triệu đồng/người.

Việc đề xuất tăng thu nhập cho các "sếp" được Petrolimex trình ra ĐHĐCĐ thường niên trong bối cảnh năm 2016, kết quả kinh doanh của tập đoàn này tăng vọt so với 2015. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt kỷ lục 6.300 tỷ đồng, vượt kế hoạch 59% và tăng 68% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất lên tới 5.147 tỷ đồng, trong đó, lợi ích của tập đoàn là 4.669 tỷ đồng (lãi cơ bản trên 1 cổ phiếu là 4.254 đồng), lợi ích của cổ đông thiểu số là 478 tỷ đồng.

Năm 2017, theo tờ trình của Ban điều hành, Petrolimex dự kiến sẽ nâng sản lượng xăng dầu xuất bán thêm 3,3% so với năm 2016; doanh thu hợp nhất đạt 143.208 tỷ đồng, tăng 16,3%. Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất trước thuế sẽ giảm còn 4.680 tỷ đồng, bằng 74,3% so với thực hiện của năm 2016.

Kế hoạch thận trọng này được xây dựng dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP năm 2017 của cả nước đạt khoảng 6,7%; giá dầu thô bình quân mức 55 USD/thùng. Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi như năm 2016, theo Petrolimex sẽ không còn nhiều.

Theo nhận định của Ban điều hành Petrolimex, thị trường xăng dầu cạnh tranh ngày càng quyết liệt khi tiếp tục có sự gia tăng nhanh các đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu. Một số khách hàng công nghiệp thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ sử dụng mazut sang sử dụng gas hoặc nhiên liệu thay thế khác để giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu về khí phát thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp sản phẩm thương mại từ quý III/2017 dự kiến tác động mạnh đến công tác tạo nguồn đặc biệt là khu vực miền Bắc, đồng thời có sự tham gia phân phối bán lẻ của Idemitsu Q8 cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

Nếu như năm 2016, Petrolimex hưởng lợi từ tỷ giá thì năm 2017, dự báo biến động tỷ giá sẽ lớn hơn và khó lường hơn (dự kiến mức biến động khoảng 3-4%)...

Theo Bích Diệp (Dân Trí)

Nổi bật