Ôtô, rượu ngoại đồng loạt tăng giá sốc?

20/10/2015 18:43:32

Ô tô, rượu bia, xì gà và nhiều loại đồ xa xỉ khác... lại thêm cớ tăng giá vì khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tiếp tục tăng. Sau nhiều lần lấy ý kiến, mặc dù các DN đồng loạt phản đối nhưng Bộ Tài chính vẫn quyết "y án" tăng giá tính thuế.

Ô tô, rượu bia, xì gà và nhiều loại đồ xa xỉ khác... lại thêm cớ tăng giá vì khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tiếp tục tăng. Sau nhiều lần lấy ý kiến, mặc dù các DN đồng loạt phản đối nhưng Bộ Tài chính vẫn quyết "y án" tăng giá tính thuế.
Ồ ạt các kiểu thuế tăng
 
Hai năm tới, thuế nhập khẩu trong ASEAN (ATIGA) mới bị cắt giảm nhưng vì lý do này, Bộ Tài chính đã tính toán các kiểu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ngay trong 4-8 tháng tới bằng việc sẽ trình Quốc hội 1-2 tuần tới dự án Luật sửa đổi 3 Luật về thuế (Giá trị gia tăng, Tiêu thụ đặc biệt và Quản lý thuế).
 
10 mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ chịu áp lực lớn về tăng giá, gồm thuốc lá, rượu, bia, ô tô dưới 24 chỗ ngồi, xe máy phân khối lớn trên 125cm3, du thuyền, tàu bay, xăng các loại, điều hoà nhiệt độ dưới 90.000 BTU trở xuống, bài lá và các đồ hàng mã, vàng mã.
 
Trong đó, ngoại trừ tàu bay du thuyền thì 9 mặt hàng còn lại đa phần đều là hàng tiêu dùng phổ biến hiện nay, thậm chí là hàng thiết yếu như xăng.
 
Bộ Tài chính dự kiến thay đổi hoàn toàn công thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Giá tính thuế sẽ bổ sung thêm nhiều chi phí khác ở khâu lưu thông phân phối bán lẻ. Thay vì là giá bán buôn của nhà sản xuất trong nước, hay giá trị hàng tại cửa khẩu trước khi đi vào nội địa như hiện nay, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt tới đây sẽ chính là của các cơ sở nhập khẩu hoặc sản xuất bán ra tới tay người tiêu dùng trước khi tính thêm VAT và thuế bảo vệ môi trường.
 
Hệ quả là thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, thuế VAT cũng tăng, giá bán lẻ vì chịu tác động cú hích liên hoàn này sẽ được đẩy lên cao.
 

Ô tô lại thêm cớ tăng giá vì khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tiếp tục tăng.

 
Trong đó, ô tô chịu ảnh hưởng lớn bởi tác động kép vì sẽ tăng cả thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
Như VietNamNet phản ánh, 5 dòng xe ở phân khúc xe có dung tích trên 3.0 lít sẽ tăng thuế từ 30%-90% so với hiện hành. Giá tính thuế tăng cộng với việc thuế suất tăng gấp rưỡi gấp đôi như vậy thì tất yếu, giá xe sang nhập khẩu tới đây sẽ siêu đắt gấp bội.
 
Ngược lại, cơ hội giá rẻ trong mơ với các dòng xe ô tô nhỏ có dung tích dưới 2.0 lít cũng sẽ giảm đi đáng kể vì giá tính thuế sẽ "bù" một phần lớn việc giảm mức thuế suất từ 5% - 25% so với hiện nay.
 
Đặc biệt, xăng cũng có thể sẽ tăng giá, bởi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt xăng sẽ bao gồm cả khoản 1.050 đồng/lít chi phí bán hàng, 300 lợi nhuận định mức, 200-300 đồng trích Quỹ bình ổn.
 
DN kêu ca, bộ cứng rắn
 
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong 2 cuộc họp báo thường kỳ vừa qua đều khẳng định, cơ bản là các doanh nghiệp đồng tình cách tính như thế.
 
Tuy nhiên, sau khi thu thập tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp nói chung, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi Văn phòng Chính phủ bản kiến nghị đề xuất giữ nguyên cách tính hiện nay.
 

Mặc dù các DN đồng loạt phản đối nhưng Bộ Tài chính vẫn quyết "y án" tăng giá tính thuế.

 
VCCI cho rằng, cách tính mới sẽ làm đội thuế tiêu thụ đặc biệt lên và có khả năng dẫn tới trốn thuế, nhập lậu, làm giả hàng hóa gia tăng. Đặc biệt, thủ tục tính thuế theo phương pháp mới sẽ rất phức tạp và tính khả thi không cao.
 
VCCI phân tích, giá tính thuế kiểu mới sẽ phá vỡ hệ thống phân phối bán lẻ ổn định, chuyên nghiệp hiện nay, làm xáo trộn nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các nhà sản xuất sẽ ứng phó bằng việc thay đổi cơ cấu bán hàng, thay vì bán hàng trực tiếp cho các công ty con, sẽ chuyển sang bán qua các kênh trung gian độc lập. Hệ thống này có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn công ty thì cơ quan thuế bằng cách nào để tính được giá tính thuế là giá bình quân của các đại lý phân phối đó?
 
"Mục tiêu hạn chế gian lận, lách luật và chống chuyển giá vẫn không thực hiện và người tiêu dùng phải gánh chịu các chi phí tăng thêm", VCCI nhận định.
 
Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam dẫn chứng, khi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia tăng từ 45% lên 50% và rượu tăng từ 50% lên 55% thì thu ngân sách từ nguồn này đã giảm 6%. Nếu tăng tiếp giá tính thuế thì rượu, bia nhập khẩu sẽ phải chịu thêm ít nhất là 15% thuế, nghĩa là mức thuế phải nộp phải là 60-65%.
 
Theo hiệp hội này, cách tính giá tính thuế mới sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở bán cùng một mặt hàng. Trong khi đó, việc các doanh nghiệp bia, rượu đều là Tập đoàn, Tổng công ty lớn lập công ty phân phối là xu hướng cần thiết đúng đắn trong quá trình hội nhập, chứ không phải lập để chuyển giá.
Hiệp hội thuốc lá Việt Nam thì khẳng định, quy định mới sẽ làm triệt tiêu năng lực cạnh tranh của thuốc lá nội trước thuốc lá ngoại, đặc biệt là thuốc lá lậu.
 
Một chuyên gia nghiên cứu về pháp luật chia sẻ, xu hướng chung của các nước là đều phải điều tiết thuế để đảm bảo nguồn thu ổn định khi hàng rào thuế nhập khẩu cắt giảm trong hội nhập.
 
Tuy nhiên, ở Việt Nam, thời hạn cắt giảm thuế quan này chưa đến thì trong nước đã vội vàng nâng thuế lên. Năm 2018, thuế trong ASEAN mới giảm về 0%, thì ngay từ 1/1/2016, hàng hoá ở Việt Nam đã bị tăng thuế.
Các doanh nghiệp thực chất sẽ không gánh chịu khoản này mà dồn tất cả vào cơ cấu giá thành, hệ quả cuối cùng là người tiêu dùng sẽ bị thiệt vì giá tăng.
 
>> Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe sang lên gấp đôi
 
Theo Phạm Huyền (VietNamNet)

Nổi bật