Các lái xe phải yêu cầu nhà băng cấp lại bản gốc giấy biên nhận thế chấp vì các văn bản xác nhận trước đây sẽ hết hạn từ 1/12.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, nhiều lái xe lo ngại sẽ gặp phải câu chuyện "giấy phép con" khi phải có giấy biên nhận thế chấp do phía ngân hàng cấp mới đủ điều kiện lưu hành xe trên đường. Tuy nhiên, văn bản của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ thời hạn các tổ chức tín dụng phải cấp mới (hoặc cấp lại) giấy biên nhận cho khách hàng để tránh phiền nhiễu cho người dân.
Những văn bản xác nhận xe đã thế chấp ở ngân hàng như thế này sẽ không có giá trị sau ngày 1/12. |
Cụ thể, với các trường hợp đã thế chấp để vay trước ngày 1/9, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu trước tháng 10, các nhà băng phải thông báo cho khách hàng về việc sẽ cấp giấy biên nhận. Sau đó, trong 7 ngày làm việc kể từ khi chủ phương tiện yêu cầu, các ngân hàng phải cấp xong giấy biên nhận thế chấp này (bản gốc) kèm một bản sao chứng thực giấy tờ xe cho khách hàng. Đến 1/12, tất cả các văn bản xác nhận của ngân hàng về việc thế chấp phương tiện đã cấp trước đó sẽ không còn giá trị.
Tương tự, với các trường hợp thế chấp xe để vay mua sau ngày 1/9, các ngân hàng cũng phải cấp giấy biên nhận này trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận giấy tờ xe bản gốc của khách hàng.
Giấy biên nhận thế chấp này sẽ được cấp lại nếu có thay đổi về thời hạn thế chấp giữa các bên hoặc khi giấy biên nhận bị mất. Nếu mất giấy biên nhận này, khách hàng phải thông báo bằng văn bản cho ngân hàng, đồng thời cam kết và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông báo.
Công văn hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước được ban hành theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Theo đó, để bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện, Phó thủ tướng đồng ý cho người lái xe được sử dụng bản sao giấy đăng ký có chứng thực khi lái xe. Ông giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn để thực hiện.
Theo Thanh Thanh Lan (VnExpress.net)