Giá dầu thế giới ngày 30/11 tăng 10% sau khi các nước OPEC thống nhất cắt giảm sản lượng kể từ đầu năm 2017.
Như vậy, sản lượng kể từ tháng 1/2017 sẽ còn ở mức 32,5 triệu thùng/ngày. Trong số này, phần cắt giảm của 3 nhà sản xuất lớn ở Vùng Vịnh là Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) chiếm đến 60% tổng mức giảm.
Nhà quan sát OPEC, Amrita Sen (công ty Energy Aspects, Anh), nhận định thỏa thuận là cách OPEC chứng tỏ với những người hoài nghi rằng "chúng tôi chưa chết". "Động thái này giúp thúc đẩy thị trường trở về cân bằng và xóa bỏ sự thừa mứa dầu mỏ", ông nói.
Các nước OPEC thống nhất mức cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ngày 30/11 ở Vienna, Áo. |
Hai năm vừa qua là một giai đoạn đau đớn đối với các nước OPEC. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính tổ chức này sẽ thu được 341 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ trong năm 2016. Đây là mức giảm hơn một nửa so với con số 753 tỷ USD của năm 2014 trước khi giá dầu bắt đầu lao dốc, và giảm mạnh so với mốc kỷ lục 920 tỷ USD của năm 2012.
Thông tin về thỏa thuận ngay lập tức truyền tín hiệu tích cực đến các thị trường, khi giá dầu nhiều nơi tăng khoảng 8-10%. Theo Wall Street Journal, tại sàn giao dịch New York, giá dầu Brent kết thúc phiên ở 50,47 USD/thùng, tăng tương đương 8,8%.
Giá dầu WTI cũng đạt 49,44 USD/thùng, tăng 9,3%. Đây là mức tăng cao nhất trong một phiên kể từ tháng 2 tới giờ. Giới chuyên gia dự đoán giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Giá dầu thế giới ngày 30/11 tăng khoảng 50 USD/thùng sau khi OPEC công bố thỏa thuận. Ảnh: Bloomberg. |
"Chúng ta đã đạt được thành công to lớn hôm nay. Thỏa thuận này thể hiện trách nhiệm của tất cả các nước sản xuất dầu mỏ đối với nền kinh tế thế giới", Mohammed Bin Saleh Al-Sada, Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm chủ tịch OPEC, thông báo.
Yếu tố quan trọng nhất trong thỏa thuận là việc hai nước sản xuất lớn nhất của OPEC, Saudi Arabia và Iran, đã được dàn xếp bất đồng. Trước đây, 2 quốc gia này thường tranh cãi gay gắt trong những cuộc họp OPEC.
Tuy nhiên, ngày 30/11, Riyadh nói họ đồng ý mức "giảm lớn" về sản xuất (giảm 486.000 thùng/ngày), đồng thời chấp thuận Tehran có thể nâng sản lượng như một trường hợp đặc biệt.
Sự nhượng bộ của Saudi Arabia là chiến thắng lớn với Iran khi nước này khăng khăng muốn giành lại thị phần khi vừa trở lại thị trường sau nhiều năm chịu cấm vận. Theo thỏa thuận, Iran được phép tăng sản xuất thêm 90.000 thùng/ngày, giữ dưới mức 3,8 triệu thùng/ngày và tương đương với sản lượng trước khi bị trừng phạt.
Trong khi đó, Iraq bất ngờ chấp nhận giảm mức sản xuất đi 200.000 thùng/ngày. Trước đó, nước này cũng khăng khăng đòi tăng hạn mức để đáp ứng kinh phí trong cuộc chiến chống IS.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia tại cuộc họp báo công bố kết quả thỏa thuận. |
Đối với những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Venezuela và Nigeria, việc dầu tăng giá là thông tin tích cực quan trọng. Theo công ty Energy Aspects, thỏa thuận của OPEC sẽ giúp giá dầu tăng đều và vượt 60 USD/thùng vào quý 1/2017. Tuy vậy, các mức giá này vẫn chỉ bằng khoảng một nửa so với giai đoạn cao điểm cách đây 2 năm.
Bên cạnh đó, nhiều công ty tỏ ra thận trọng chờ đợi chi tiết của thỏa thuận cũng như cơ chế thực thi. Nhiều nước OPEC từng có tiền lệ không tuân thủ thỏa thuận và tự ý gia tăng hạn ngạch sản xuất. Do vậy, ngay cả khi thỏa thuận đề ra mức giảm sâu và tuyên bố chắc chắn được đưa ra, tác động của nó với thị trường cần nhiều tháng để trở nên rõ rệt.
Hiệu quả của thỏa thuận cũng tùy thuộc vào sự hợp tác giữa OPEC với những nước xuất khẩu dầu lớn nhưng không thuộc tổ chức này, như Nga. Lần đầu tiên trong 15 năm, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 1/12 thông báo Moscow đồng ý cắt giảm sản lượng 300.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2017.
Những nước ngoài OPEC khác như Azerbaijan và Kazakhstan cũng để ngỏ khả năng giảm sản lượng. OPEC và các nước này sẽ tiến hành cuộc họp riêng vào ngày 9/12.
Theo Minh Anh (Zing.vn)