Chia sẻ với phóng viên sau lễ ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân về việc vì sao cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đánh giá là sẽ tạo thay đổi lớn cho cả thế giới trong đó có Việt Nam, nhưng khi nhắc tới cuộc cách mạng này ông lại cho rằng phải đối phó với nó mà không phải là tận dụng và phát huy: Ông Trương Gia Bình cho biết, “Cái tôi muốn nói tới là thái độ của chúng ta như thế nào trước cuộc cách mạng 4.0. Chúng ta chủ động hay bị động khi tiếp nhận nó thì theo tôi chúng ta cần phải chủ động”.
Nhìn từ câu chuyện Grab, Uber làm thay đổi phương thức kinh doanh rất lớn, ở góc độ là Chủ tịch của VINASA, ông Trương Gia Bình cũng cho rằng chúng ta chưa sẵn sàng. “Có rất nhiều việc phải làm nhưng đầu tiên tôi cho rằng ở vai trò của truyền thông cần phải làm rõ, nó sẽ đến như thế nào và sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp ra sao”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại Hội thảo Cách mạng Công nghiệp thời kỳ 4.0, ông Trương Gia Bình cũng cho rằng, cuộc cách mạng này có nhiều điều rất khác so với 3 cuộc cách mạng từng diễn ra trong lịch sử. “Đặc trưng của nó chính là những rô bốt có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các rô bốt để ứng xử với con người,con vượt qua năng lực của con người; con rô bốt này sẽ chế tạo ra con rô bốt khác. Khi đó, ô tô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà của mỗi chúng ta…”
Ông Trương Gia Bình cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể không phải là cuộc cách mạng của riêng các “đại gia” mà là của tất cả mọi người. Trong đó, có thể là những nhóm người rất nhỏ bé hoặc chỉ vài người nhưng chính những nhóm nhỏ đó sẽ làm thay cả đổi tương lai, thay đổi nền kinh tế của một đất nước và và thậm chí có thể thay đổi cả nền kinh tế cả thế giới.
Thực tế cho thấy, câu chuyện quản lý loại hình Grab, Uber trong thời gian vừa qua của các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều lúng túng. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong nước cũng phản ánh nhiều hình thức cạnh tranh của Grab và Uber là chưa công bằng như: Sử dụng các chương trình khuyến mãi “vô tội vạ” theo kiểu “triệt tiêu đối thủ” hay được ưu ái di chuyển, không có đường cấm… là những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, Hiệp hội taxi còn cho rằng, Grab và Uber ra đời đã làm thất thu thuế cho nhà nước.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương cũng lần đầu tiên có văn bản chính thức gửi lên Thủ tướng Chính phủ góp ý về loại hình kinh doanh của Grab, Uber. Bộ Công Thương cho rằng cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng phần mềm như Grab, Uber chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.
Theo Bộ Công Thương, quy định hiện hành chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua các ứng dụng thương mại điện tử. Như thế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này coi mình chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm và quy định hiện hành cho phép họ giải thích như vậy.
Cũng theo Bộ Công thương, vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này sẽ không chịu trách nhiệm về các vấn đề bảo đảm an toàn cho khách và người trên đường, trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ. Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp cung cấp, quản lý các ứng dụng này là doanh nghiệp ở nước ngoài thì việc cho phép doanh nghiệp đó hoạt động là không phù hợp với cam kết trong WTO.
Theo Thanh Xuân (Dân Việt)