BVSC cho rằng ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ sẽ khiến thị trường tiền tệ biến động. Trong kịch bản, nếu việc chuyển giao quyền lực tại Mỹ gặp khó khăn do sự chia rẽ giữa các đảng phái hoặc các nhà đầu tư quay trở lại nghi ngờ các chính sách kinh tế của Trump, thị trường tài chính nhiều khả năng sẽ quay trở lại trạng thái bất ổn.
“Khi đó nhà đầu tư sẽ có xu hướng bán USD và tìm đến các tài sản an toàn hơn như EUR, JPY hay vàng. FED cũng có thể xem xét tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất vào tháng 12. Đồng USD sẽ mất giá và áp lực giảm giá lên VND trong kịch bản này sẽ không lớn”, BVSC phân tích.
BVSC dự báo VND sẽ bị áp lực mất giá trong nhiệm kỳ ông Trump làm Tổng thống Mỹ |
Những diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới trong phiên ngày 9.11 là rất khó lường và phát đi những tín hiệu có phần “nhiễu”. Trong lúc các bang kiểm phiếu cho kết quả nghiêng về ông Trump thì đồng USD mất giá mạnh so với EUR, JPY nhưng kết thúc phiên giao dịch thì đồng USD lại hồi phục đáng kể với chỉ số USD Index tăng 0,7%; cặp tỷ giá USD/EUR tăng 1,1%; USD/JPY tăng 0,5%.
Theo BVSC, nhiệm kỳ ông Trump làm Tổng thống Mỹ khiến lạm phát sẽ tăng lên và đồng USD có xu hướng giảm giá trong trung hạn. Tân tổng thống Mỹ chủ trương cắt giảm thuế (bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp như trong bảng đầu tiên) đồng thời tăng mạnh chi tiêu công, đặc biệt vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và quân sự.
“Tăng thuế nhưng đồng thời tăng chi tiêu sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng. Điều này nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên lạm phát và đồng USD sẽ có xu hướng giảm giá trong nhiệm kỳ của ông Trump”, BVSC phân tích.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, đồng USD sẽ có xu hướng tăng giá so với các đồng tiền của các nước “có thể là đích ngắm” của các hành động bảo hộ thương mại của Mỹ, bao gồm JPY, EUR và đặc biệt là đồng tiền của các thị trường đang phát triển hiện đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
“Diễn biến này phản ánh trước yếu tố “kỳ vọng” và dự báo về những khó khăn mà các nước đang phát triển sẽ gặp phải trên lĩnh vực thương mại quốc tế cũng như khía cạnh xuất khẩu. Thêm vào đó, rủi ro lạm phát tăng lên cùng với chủ trương cắt giảm thuế khá mạnh tay của Trump sẽ khiến FED có thể đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất”, BVSC nhận định.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, xác suất FED tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 12 đã ở mức 81%. “Điều này cũng hỗ trợ cho đà tăng giá của đồng USD trong thời gian tới. Kịch bản này cùng yếu tố mang tính mùa vụ cuối năm trong nước có thể sẽ gây áp lực mất giá nhất định lên đồng VND trong hai tháng cuối năm”, BVSC bình luận.
Sau những biến động vừa qua, hiện đường tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa của VND đã lên mức 104,3 điểm trong khi đường tỷ giá hữu hiệu thực tế, do ảnh hưởng tăng mạnh của lạm phát, đã nới rộng khoảng cách và lên đến mức trên 108 điểm.
“Trong gần 3 năm trở lại đây, mỗi khi 2 đường đi lên và vượt qua mốc điểm 106 (VND lên giá tương đối so với rổ 8 đồng tiền tham chiếu) thì áp lực giảm giá VND sẽ xuất hiện (nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam)”, BVSC nhận đinh.
Theo Trần Giang (Dân Việt)